Trong tháng 4 này, nhiều chính sách có hiệu lực. Đáng chú ý, mặc dù Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng có 2 quy định của Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2024. Đó là Điều 190 (hoạt động lấn biển) và Điều 248 (đất lâm nghiệp). Cũng dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành văn bản số 202 về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.
Để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 sớm đi vào cuộc sống, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, trình Chính phủ về dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 (thay vì ngày 1/1/2025).
Luật Đất đai (sửa đổi) là bộ luật nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Thời gian qua, đất đai là lĩnh vực nảy sinh nhiều phức tạp, kể cả việc khiếu kiện kéo dài. Chính vì thế, Luật Đất đai mới được kỳ vọng sẽ sát thực tế hơn, đáp ứng được yêu cầu tình hình mới. Vì vậy, việc sớm đưa Luật vào cuộc sống là nhu cầu cấp bách.
Tuy nhiên, muốn vậy thì việc khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, do thiếu hướng dẫn cần thiết, nên một số luật khi thực hiện đã nảy sinh bất cập, có khi còn dẫn tới những cách hiểu khác nhau.
Với Luật Đất đai 2024, thời gian qua, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện. Một số vấn đề cần làm rõ là tiền thuê đất, phương pháp định giá đất, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, các địa phương xây dựng bảng giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ, công khai quy hoạch...
Theo lãnh đạo TPHCM, từ hiệu ứng của Luật Đất đai 2024, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, số hồ sơ nhà đất cần giải quyết đã tăng hơn 18.000 hồ sơ so với năm 2023.
Điều đó cho thấy việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 cần quy định rất cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện và sớm ban hành. Đặc biệt khi Luật có nhiều điểm mới, như bỏ khung giá đất (ban hành bảng giá đất mới từ 1/1/2026); hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ 15/10/1993 - trước 1/7/2014 không có giấy tờ về quyền sử dụng đất sẽ được cấp sổ đỏ nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định; đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; chỉ được thu hồi đất khi đã bàn giao nhà ở tái định cư; hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất như cá nhân trong nước...
Với nhiều quy định mới tại Luật Đất đai 2024, có thể thấy vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng, cùng đó là đòi hỏi trách nhiệm rất lớn. Nếu như thiếu hướng dẫn cụ thể thì sẽ phát sinh việc xử lý không đúng ngay từ xã, huyện; không loại trừ cả việc cố ý “lách luật”. Như đã nói, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, mà điểm đột phá chính là phân cấp triệt để. Trong đó phải kể đến việc phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai 2013. Bên cạnh đó là đa dạng các hình thức bồi thường đất bị thu hồi.
Từ đây cho thấy việc giám sát, kiểm soát quyền lực cần phải được đặc biệt coi trọng.
Việc Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có tờ trình của Chính phủ, trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực ngay từ ngày 1/7/2024 (thay vì ngày 1/1/2025) nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với Luật Đất đai 2024 thì Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng cần được sớm thực hiện (theo kế hoạch) cả 3 luật kể trên chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025). Vì 3 bộ luật này gắn bó chặt chẽ với nhau, có tác động qua lại một cách hữu cơ.
Có thể nói, việc cả 3 bộ luật sớm được thực hiện trong cùng một thời điểm sẽ tạo nên sự đồng bộ, thống nhất mà không bị “lệch pha”.