Bao đời nay, khu đất nông nghiệp màu mỡ ven sông Lô tại xã Cấp Tiến (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) vốn là nguồn sống, nguồn thu nhập của hàng trăm hộ dân. Nhưng kể từ khi UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát sỏi khiến dòng sông bị băm nát, nhiều héc ta đất canh tác bị sạt lở xuống lòng sông, nhiều hộ bị mất trắng đất canh tác.
Tàu khai thác cát “khủng” tiến sát vào bờ sông thuộc địa bàn thôn Cây Xi.
Tiếng kêu bên dòng sông Lô
Theo người dân xã Cấp Tiến phản ánh, thời gian gần đây, tình trạng sạt lở đất nông nghiệp ven sông Lô tại xã Cấp Tiến diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Do hoạt động khai thác cát quá sát bờ khiến từng mảng đất nông nghiệp rộng lớn của người dân dần nứt nẻ và trôi xuống lòng sông.
Nhiều đoạn sông tại thôn Cây Xi, lòng sông đã ăn sâu vào đất canh tác của người dân lên đến hàng chục mét. Tình trạng này gây ra hệ lụy là đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó nhiều gia đình bị mất trắng đất canh tác dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn.
Dẫn phóng viên đi thị sát khu vực sạt lở, bà Hiền- một người dân xã Cấp Tiến cho biết, hôm trước vẫn ra xới cỏ ngô bình thường, vậy mà sau một đêm, đến sáng hôm sau ra, cả đám ruộng ngô đã bị lở mất một nửa. Nhiều gia đình trông vào mấy sào đất trồng ngô, hoa, mà đất bị lở dần lở mòn, sắp tới không biết bấu víu vào đâu để sống.
Theo thống kê mới nhất của UBND xã Cấp Tiến, trên địa bàn xã hiện nay có gần 4 ha đất nông nghiệp ven sông Lô bị sạt lở, trong đó diện tích lở nhiều nhất tại thôn Cây Xi.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất nông nghiệp ven sông, hầu hết người dân xã Cấp Tiến cho rằng, nguyên nhân do các doanh nghiệp (DN) khai thác cát rầm rộ sát bờ, chứ không phải do thiên tai, lũ lụt. Quá bức xúc, người dân địa phương đã rất nhiều lần gửi đơn đề nghị lên các cấp chính quyền ở địa phương từ xã đến tỉnh, nhưng không có cơ quan nào giải quyết dứt điểm. Người dân không được bồi thường, các tàu cát vẫn đua nhau “moi ruột” lòng sông và đất nông nghiệp của nhân dân vẫn hàng ngày bị “Hà bá” nuốt chửng.
Theo quan sát thực tế của chúng tôi, trên một đoạn sông ngắn tại địa bàn xã Cấp Tiến có đến hàng chục tàu khai thác đua nhau “moi ruột” lòng sông khiến dòng nước đục ngầu. Tại thôn Cây Xi, mặc dù giữa ban ngày, nhưng một số tàu vẫn ngang nhiên tiến sát vào bờ hút cát khiến đất nông nghiệp ven sông bị sạt lở.
Chính quyền xã bất lực?
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Vinh- Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho biết, trên địa bàn xã Cấp Tiến có 2 DN được cấp phép khai thác cát trên Sông Lô. Trong đó, điểm khai thác cát của Công ty TNHH Hiệp Phú trên địa bàn thôn Cây Xi trở thành điểm “nóng”. Người dân nhiều lần kiến nghị với xã, với tỉnh, xã cũng nhiều lần giải quyết. Nhân dân ra đuổi, xã nhiều lần đuổi tàu cát. Thậm chí, có thời điểm xã phải lập điểm canh gác hàng tháng ở ven sông để xua đuổi tàu cát.
Trước vấn đề các mỏ không có phao tiêu, mốc giới vị trị mỏ, ông Vinh lý giải: “Quan điểm của tỉnh là phải thả phao để phân mốc giới khai thác. Nhưng thời gian thả phao không tồn tại được, được thời gian lại mất. Không có mốc giới để phân định phạm vi khai thác, khi xã phát hiện gần bờ thì ra đuổi. Chúng tôi phân định họ khai thác trái phép thì khó. Chúng tôi thấy ước chừng tàu khai thác cát cách bờ dưới 40 mét là yêu cầu họ ra ngoài. Xã không đủ thẩm quyền, máy móc, không có phương tiện đi lại”.
Trước vấn đề nhân dân phản ánh, mặc dù tỉnh đã cấm khai thác cát bằng tàu cuốc nhưng các DN vẫn khai thác cát bằng tàu cuốc thì lãnh đạo xã Cấp Tiến cho rằng, địa phương rất khó xác định tàu hút hay tàu cuốc. Xã cũng không có thẩm quyền để bắt, chỉ phối hợp. Từ đầu năm 2019 đến giờ chưa bắt được trường hợp nào.
Nói về những khó khăn trong việc quản lý khai thác cát trên địa bàn, lãnh đạo xã Cấp Tiến giãi bày, địa phương có trách nhiệm quản lý địa bàn, giữ gìn an ninh trật tự, giám sát, vận động nhân dân phát hiện tàu hút sát bờ thì báo cho chính quyền xã và xã sẽ báo với huyện. Vẫn theo lãnh đạo UBND xã Cấp Tiến, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chính quyền xã đã kiến nghị với huyện và tỉnh là dừng khai thác cát sỏi, rút giấy phép khai thác vì ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhưng đến nay chưa thấy trả lời.
Được biết, Công ty TNHH Hiệp Phú (trụ sở tại Thôn Chè 8, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang) được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 37/GP-UBND ngày 17/7/2015 tại xã Đội Bình (huyện Yên Sơn) và các xã Đông Thọ, Cấp Tiến (huyện Sơn Dương) với diện tích 57,02 ha. Trong đó, chiều dài đoạn sông thuộc xã Cấp Tiến khoảng 1,8 ha, diện tích khoảng 16,6 ha) thời gian khai thác đến ngày 17/7/2047.
Đáng chú ý, trong khi người dân đang rất bức xúc và chính quyền xã Cấp Tiến đề nghị rút giấy phép khai thác cát của Công ty TNHH Hiệp Phú tại xã Cấp Tiến, thì ngày 9/9/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đình Quang ký Quyết định số 36/GP-UBND, tiếp tục cấp giấy phép khai thác khoảng sản cho Công ty TNHH Hiệp Phú được khai thác cát sỏi bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ cát sỏi lòng sông Lô thuộc địa bàn các xã Yên Lâm, Yên Phú, Minh Khương, Bạch Xa của huyện Hàm Yên với tổng diện tích khu vực khai thác cát lên tới 61 héc ta. Thời gian Công ty TNHH Hiệp Phú được phép khai thác lên tới 20 năm.