Sơn Tịnh (Quảng Ngãi): Làm tốt công tác chăm lo ‘Đền ơn đáp nghĩa’!

24/07/2017 15:45

Trong giai đoạn 2012-2017, Đảng bộ, chính quyền huyện Sơn Tịnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác ‘Đền ơn đáp nghĩa’, chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách người có công. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và cũng là dịp thể hiện sự tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Phạm Vinh tặng hoa cho Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ông Lữ Đình Ba – Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Sơn Tịnh cho biết: Hiện nay, toàn huyện Sơn Tịnh có 5.564 trường hợp đủ điều kiện nhận chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong đó, có 2 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, 5 người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày 19/8/1945, 2.893 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 219 bệnh binh, 55 Bà mẹ VNAH, 275 người có công giúp đỡ cách mạng, 403 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 889 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 823 đối tượng hưởng trợ cấp tuất.

Trong những năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Sơn Tịnh tiếp tục được xã hội hóa, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm của mọi người dân đối với gia đình chính sách.

Lãnh đạo huyện Sơn Tịnh viếng hương tại Đền tưởng niệm liệt sỹ huyện.

Cụ thể, trong 5 năm qua (2012 - 2017), huyện Sơn Tịnh đã hoàn thành việc triển khai và thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công, cụ thể đã xác nhận người có công với cách mạng cho 6.278 trường hợp; thực hiện chi trả chế độ ưu đãi đối với người có công cách mạng, với tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng.

Cùng với đó, huyện Sơn Tịnh đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 452 nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng, số tiền gần 13 tỷ đồng. Nhiều đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc mẹ Việt Nam Anh hùng đến suốt đời. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 55 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, hầu hết các đơn vị nhận phụng dưỡng các mẹ đều tổ chức thăm hỏi trong các dịp lễ, tết, chăm sóc lúc đau ốm, ngoài ra còn mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình các mẹ.

Công tác quy tập hài cốt liệt sỹ cũng được các cấp, các ngành quan tâm, trong 5 năm huyện đã quy tập được 32 hài cốt liệt sĩ đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ, nâng tổng số mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ lên 4.420 mộ liệt sĩ. Đồng thời, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các địa phương trong huyện đã tiến hành tu sửa, nâng cấp xây dựng 11 Nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng mới 01 Đền tưởng niệm liệt sĩ, với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng.

Di tích chiến thắng Ba Gia, thuộc xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh.

Đặc biệt, vào dịp tháng 7 hàng năm, những hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực lại dấy lên mạnh mẽ trong toàn xã hội với tất cả lòng thành kính, biết ơn. Nhiều phong trào đoàn, đội, thanh thiếu nhi hướng về nguồn cội, tham gia các hoạt động về nguồn, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện đến các nghĩa trang liệt sỹ viếng mộ, thắp nến, thắp hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng đã hy sinh xương máu, đem lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Toàn huyện hiện có 5.260 thương binh, bệnh binh, trong đó có 25 thương binh, bệnh binh với tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên, huyện thường xuyên tổ chức chăm lo, giúp đỡ họ bằng nhiều hình thức như: giúp đỡ xây dựng, sửa chữa nhà ở, cứu trợ đột xuất, tặng quà nhân các ngày lễ, tết. Những lúc ốm đau, điều trị được chính quyền, các đoàn thể đến thăm viếng, động viên, an ủi trong những lúc khó khăn; thực hiện chế độ ưu tiên khám - chữa bệnh, cấp xe lăn, xe lắc, làm chân tay giả, phục hồi chức năng lao động, tổ chức thăm quan, điều dưỡng theo định kỳ hàng năm.

Người dân Sơn Tịnh viếng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ.

Ông Lữ Đình Ba cho biết: Qua khảo sát tình hình đời sống của các gia đình chính sách, hiện nay đa số hộ gia đình chính sách đều có mức sống ổn định so với mặt bằng chung của xã hội. Đến nay, không còn hộ gia đình chính sách nào trên địa bàn huyện trong diện còn ở nhà tạm bợ, số hộ gia đình chính sách có mức sống khá ngày càng tăng, con em gia đình chính sách được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước trong học tập.

Có thể nói, các hoạt động của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn huyện ngày càng được ổn định, đi vào chiều sâu, từng bước thực hiện tốt công tác xã hội hóa về "Đền ơn đáp nghĩa" theo phương châm Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ, bản thân thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tự vươn lên để góp phần ổn định cuộc sống, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân và là lực lượng tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống văn hóa mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sơn Tịnh (Quảng Ngãi): Làm tốt công tác chăm lo ‘Đền ơn đáp nghĩa’!