Sống an lành

Hoàng Mai 29/11/2015 08:45

Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bữa ăn của người dân, hay nói một cách khác con đường đến với dạ dày của 90 triệu người dân Việt Nam lại thêm một lần được cảnh báo ở mức nghiệm trọng. Nhưng không chỉ có chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm mà ngay cả giá cả của nhiều mặt hàng phục vụ thiết thân cho đời sống người dân cũng trở thành chủ đề nhận được nhiều quan tâm. 

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không phân biệt được cái gì an toàn, cái gì không

Dẫn lại việc tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, nhiều ĐBQH đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về trách nhiệm của Bộ trong việc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi; Không đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời việc tiến hành xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm…

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đưa ra đánh giá, dù đã được chất vấn tại 2 kỳ họp nhưng câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyện chế biến nông lâm sản xem ra vẫn còn nhiều nan giải. Mà một trong những cái nan giải nhất đó là nói mãi, nói nhiều nhưng mức độ nguy hiểm của tình trạng này không giảm.

Dẫn ra khá nhiều ví dụ về việc thịt lợn chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép..., ĐB Vinh đã để lại một câu nói “để đời” về sự nhức nhối của nạn thực phẩm bẩn trong kỳ họp này mà cũng có thể là của cả khóa QH XIII đó là: “Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.

Vâng, vì sao mà nó lại ngắn và dễ dàng - đương nhiên có thể hiểu đó là do chúng ta tuy có biện pháp nhưng cách thực hiện lại chưa thực sự triệt để. Minh chứng cho điều này là phần giải trình của Bộ trưởng Cao Đức Phát khi khẳng định: Các giải pháp chúng tôi triển khai thực hiện nhiều năm và đã có những tác động tích cực nhưng tôi cũng đánh giá chủ yếu ở mức độ kiềm chế, không để tình hình xấu hơn. Và, qua nhiều năm có một số mặt cải thiện nhưng chưa bền vững. Gần đây, một số việc xấu đi như tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi.

Vấn đề đặt ra là sẽ có một câu hỏi thường ngày: Vì sao tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi ngày càng xấu đi? Đương nhiên, câu trả lời thấy rõ là do sử dụng các loại chất cấm, mua thì rẻ mà lại mang lại siêu lợi nhuận. Và, quan trọng hơn cả là dù sử dụng chất cấm nhưng do không bị chế tài nghiêm khắc nên việc vi phạm cứ vô tư mà tràn lan. Một khi, cơ quan chức năng không xử lý kịp, không xử lý triệt để những thực phẩm mang chất cấm ấy đương nhiên sẽ vô tư tràn ngập bữa ăn của người dân. Không thiếu quyết tâm và có thừa ý thức nhưng cán bộ thì ít, kinh phí thì mỏng nên ngành chức năng gặp khó.

Người đứng đầu ngành NN&PTNT dẫn ra một số ví dụ: Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Tuyên Quang có 7 người; Bình Dương có 10 người, cấp huyện và cấp xã không có cán bộ chuyên. Kinh phí cho các địa phương ngoài lương một năm chỉ còn 300-500 triệu đồng. Và vì người ít, lực mỏng trong khi có hàng triệu hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Còn trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật có 103 cơ sở sản xuất, 200 cơ sở kinh doanh và 30 ngàn cửa hàng bán lẻ. Nhưng đó liệu có phải là tất cả?

Rõ ràng, với một đất nước mà khoảng 2/3 dân số làm nông, sống bằng nghề nông làm sao có thể ngăn cản bà con sản xuất lương thực, thực phẩm. Vấn đề là giá của sản phẩm nông sản, thực phẩm nhiều năm nay vẫn lẹt đẹt ở mức mà dù có được mùa, nhiều nông dân vẫn chỉ đủ ăn, đủ mặc chứ chưa thể làm giàu. Mà muốn làm giàu phải tăng sản lượng bằng mọi cách, trong đó có cả cách sử dụng chất cấm.

Chất cấm thì lại dễ kiếm ở xứ ta mà không những thế lại còn rất rẻ. Cứ nhìn số lượng hàng trăm cơ sở sản xuất và hàng chục ngàn cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật là đủ thấy, có tài thánh, kể cả tăng số biên chế của các chi cục quản lý chất lượng thủy hải sản lên gấp hai, hay ba lần cũng khó mà quản nổi.

Vòng luẩn quẩn ấy đã tồn tại nhiều năm, đã có quá nhiều ý kiến nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể quản nổi. Đến lực lượng quản lý nhà nước, giới chuyên môn, chính quyền cơ sở còn bó tay thì người dân làm sao có thể siêu đẳng để tự nhận biết cái gì vừa ngon, vừa an toàn. Một đòi hỏi bất khả thi.

Giá thuốc làm khổ người bệnh

Vấn đề đó được ĐBQH Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) đặt ra trong một phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10. Không phải không có lý khi cử tri cho rằng, giá thuốc chỉ thấy tăng mà không có giảm và họ đặt câu hỏi: Có hay không sự lũng đoạn làm giá của các hãng cũng như nhà sản xuất, nhà phân phối trong lĩnh vực về giá thuốc điều trị bệnh. Vậy Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về vấn đề này và Bộ trưởng có giải pháp gì để tạo điều kiện cho người bệnh nhất là người bệnh nghèo bớt khó khăn.

Khó khi chọn mua thuốc chữa bệnh.

Vừa mới đây thôi, ngay trước thềm phiên bế mạc, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng: “Không thể để người dân phải dùng giá thuốc thế nào cũng phải chịu, không để giá thuốc mập mờ, khuyến mại nhiều quá”.

Điều ông Nguyễn Hữu Đức và ông Nguyễn Văn Tiên đề cập cũng chính là nỗi lo của nhiều người dân đồng thời là cử tri. Thuốc là một mặt hàng thiết yếu đặc biệt, mà bất cứ người dân nào khi ốm cũng đều phải sử dụng. Nhưng, ngay trong một địa phương hoặc giữa các địa phương trong một nước thì giá thuốc cũng không đồng đều. Và, có gì đó tựa như an toàn vệ sinh thực phẩm khi, ở lĩnh vực đó, dân không biết cái gì thì an toàn, cái gì không.

Trong lĩnh vực dược phẩm- một mặt hàng cũng liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân, họ cũng gần như “hoa mắt” trong rừng quảng cáo về thành phần và tác dụng của nhiều loại dược phẩm. Cùng với đó, là chuyện mỗi nơi một giá; thậm chí có những cái giá chả giống ai với những thuốc được cho là đặc hiệu, đặc trị ở những cửa hàng khác nhau.

Hãy nghe phản ánh từ ĐBQH Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) khi bà nêu rõ: “Giá thuốc hiện đang là vấn đề nhức nhối của nước ta. Cùng một loại thuốc nhưng giá bán ở các cơ sở kinh doanh khác nhau, nhiều nơi không niêm yết giá. Một số công ty sẵn sàng chi phần trăm (%) hoa hồng cho các bác sỹ để kê toa thuốc của công ty mình. Người dân không thể biết được giá đó đúng hay sai nên họ là người thiệt thòi nhất, chịu áp lực về chi phí nhất”.

Băn khoăn về cùng một vấn đề giá thuốc, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.Hồ Chí Minh)- người làm trong ngành y dược cho rằng cần có một chương quy định cụ thể về mạng lưới phân phối giá thuốc trong nước, tránh tình trạng phân phối qua nhiều đầu mối, qua nhiều khâu trung gian để đẩy giá lên cao.

Dự thảo Luật Dược vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến Quốc hội; và như để giải thích thêm cho ĐBQH và cử tri an tâm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra những kiến giải về chuyện giá thuốc khi bảo, có sự không đồng đều trong kết quả đấu thầu giữa các địa phương với nhau. Giá thuốc ở một số nơi trúng thầu cao hơn giá kê khai lúc ban đầu khi xin đăng ký nhập khẩu lưu hành và kinh doanh. Nhiều nơi giá thuốc giữa các quầy thuốc rất khác nhau. Trấn an dư luận, Bộ trưởng cho biêt, vấn đề này sẽ có giải pháp khắc phục.

Nếu được như thế rõ ràng dân mình mà nhất là những người có nhiều khó khăn về kinh tế sẽ bớt khổ, bớt khó khăn.

Lắng nghe những đòi hỏi từ cuộc sống hàng ngày; những câu chuyện nặng “cơm áo gạo tiền” ngay trên diễn đàn Quốc hội, mới thấy, các ĐBQH đang ngày càng gắn bó hơn với cử tri, gắn bó hơn với đời sống của tuyệt đại bộ phận dân cư. Và người ta nhận thấy, những câu hỏi từ bàn ăn của cử tri vào diễn đàn Quốc hội thật “ngọt”, thật nhuần nhuyễn và việc ĐBQH đưa tới nghị trường câu hỏi: Sống sao cho an lành? đã giúp kéo gần lại hơn khoảng cách giữa Quốc hội và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống an lành