Dịch MERS-CoV đang đe dọa loài người, do nguy cơ lan rộng của nó, đặc biệt là tỉ lệ người mắc bệnh bị tử vong cao. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch MERS-CoV nói riêng là rất quan trọng. Chúng ta cùng nhìn lại một số đợt dịch ghê gớm trong lịch sử và một số dịch do virus mới đây.
1. Bệnh cúm nay không còn quá nguy hiểm nữa, nhưng trong quá khứ nó chính là bóng ma đe dọa loài người. Kinh hoàng nhất là virus cúm luôn biến đổi và có khả năng lây lan từ vật nuôi sang người.
Gần 100 năm trước, vào năm 1918 đã xảy ra đại dịch cúm cướp đi sinh mạng khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Từ đó, năm nào dịch này cũng xảy ra, không nơi này thì nơi khác. Dịch cúm thường xảy ra trên vật nuôi trước, sau đó mới lây lan sang người. Đáng chú ý, khi xuất hiện ổ dịch, số người bị nhiễm cúm tại đây lên tới 15%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch cúm xảy ra hằng năm làm từ 3 triệu đến 5 triệu người bị nhiễm và khoảng 250 nghìn đến 500 nghìn ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Đáng buồn là cho tới nay, chủng virus gây cúm đã biến thể, nhờn thuốc nên vẫn không diệt trừ được tận gốc.
Tiếp đó là dịch tả. Đây cũng là nỗi kinh hoàng của loài người. Đại dịch tả xảy ra vào năm 1817 đến nay vẫn ám ảnh nhân loại. Tuy nhiên, trước đó dịch bệnh này đã xuất hiện tại châu Á vào khoảng 600 năm trước Công nguyên, và lần đầu được giới y học ghi nhận vào năm 1563 tại Ấn Độ. Theo những con đường thương mại lúc bấy giờ, nó nhanh chóng lây lan sang châu Âu rồi sang cả Bắc Mỹ. Trong vòng 200 năm, thế giới ghi nhận được 7 trận đại dịch tả với quy mô lớn, số người thiệt mạng là không thể tính hết.
Đeo khẩu trang được coi là một biện pháp phòng MERS-CoV
Đại dịch HIV/AIDS còn được gọi là “bệnh thế kỉ” do virus tấn công gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Virus này tấn công và phá vỡ hệ thống miễn dịch, dẫn đến tình trạng gọi là AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch) rồi tử vong. Đáng chú ý, virus lây lan qua máu, tinh dịch và chất dịch cơ thể khác, khả năng lây lan ra cộng đồng cao. Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1980, HIV đã lây nhiễm sang 60 triệu người và khiến khoảng 30 triệu người tử vong. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo, khoảng 18% những người bị bệnh này không biết họ bị nhiễm.
Với bệnh sốt rét, do muỗi gây ra từ thời cổ đại đến nay vẫn tiếp tục trở thành vấn đề của toàn cầu. Theo WHO, ở nhiều nơi trên thế giới, loài ký sinh trùng của căn bệnh này đã kháng với một số loại thuốc chống sốt rét. Trong năm 2010, ước tính có khoảng 219 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm và 660 nghìn người chết vì sốt rét. Còn với dịch bệnh lao, được coi là “kẻ giết người” đứng thứ hai chỉ sau HIV/AIDS. Cũng ít người chú ý nhưng thực ra dịch bệnh đậu mùa là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất mà con người từng gánh chịu, với tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Căn bệnh này lan truyền qua việc hít phải các virus có trong không khí, vaccine phòng bệnh đậu mùa đã có từ năm 1796, nhưng cho đến nay dịch bệnh này vẫn tồn tại như một thách thức.
2. Gần đây, loài người lại tiếp tục phải đương đầu với những dịch bệnh đáng sợ. Trước hết là đại dịch Ebola.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, virus Ebola thuộc một dòng tiến hóa từ khoảng 16-23 triệu năm trước, và tương tác với động vật có vú trong thời gian dài. Sau này, địa bàn cư trú nhiều nhất của nó là tại Tây Phi, với những người đầu tiên bị chết được phát hiện do nhiễm virus Ebola vào năm 1976. Tuy nhiên, người ta cho rằng sự bùng phát thành dịch có thể tính từ tháng 12-2013 tại Guinée, sau đó lây lan sang Liberia, Sierra Leone, Nigeria và các nước khác. Theo WHO, đến hết năm 2014, thế giới có 10.141 trường hợp nghi ngờ và 4.922 trường hợp tử vong.
Hội chứng hô hấp cấp tính là một chứng bệnh hô hấp ở con người gây ra bởi một loại virus mang tên virus SARS. Nó được ghi nhận từ giữa tháng 11-2002. Cho dù thế giới đã cùng chung tay chống SARS, nhưng cũng vẫn không thể dập được dịch hoàn toàn. Tỉ lệ tử vong khi bị nhiễm SARS cũng rất cao, trong khi vaccine đặc hiệu không có. Vì vậy, công tác phòng dịch được khuyến cáo mang tính khẩn cấp. Tới nay SARS vẫn tồn tại, tiềm ẩn trong nhiều quần thể động vật, với khả năng quay trở lại rất lớn.
Người ta cũng chưa quên dịch cúm gia cầm H5N1, chủng virus này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hồng Kông năm 1997. Sau đó lúc thì âm ỉ, lúc thì bùng phát nó lây ra hầu hết các nước châu Á, rồi lan sang châu Âu. Loại virus này sống ký sinh trong tế bào ruột non của các loài chim di cư, nên khả năng gieo rắc dịch bệnh của chúng là rất lớn. Virus cúm gà có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi và con người. Thời gian ủ bệnh chỉ trong vòng từ 3 đến 5 ngày, sau đó nhanh chóng gây suy giảm hô hấp và viêm phổi ở người và hoàn toàn có thể dẫn đến tử vong.
Và gần đây nhất, ngày 1-6, Hàn Quốc ghi nhận những trường hợp đầu tiên tử vong vì virus MERS-CoV. Nạn nhân đầu tiên là một phụ nữ 58 tuổi, tử vong sau 6 ngày nhập viện. Tới nay, dịch MERS-CoV vẫn tiếp tục lan ra ở Hàn Quốc, tuy rằng chính phủ nước này đã dành nhiều ưu tiên cho việc phòng, chống, dập dịch. Tổng thống Park Geun-hye đã trực tiếp đôn đốc chống dịch. MERS-CoV là một chủng virus mới, tương tự virus gây SARS năm 2003 khiến 8.273 người nhiễm bệnh và hơn 800 người trong số đó đã tử vong. Tới nay, MERS-CoV chưa có phác đồ điều trị.
Trước đó, MERS được phát hiện vào năm 2012, xuất hiện bệnh nhân tại 26 nước trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay nó được coi là đã bùng phát thành dịch với rất nhiều ẩn họa, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng thế giới trong nỗ lực ngăn chặn.