9 năm nhường đất cho Dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là chừng ấy thời gian người dân trong vùng Dự án phải “gồng mình” sống chung với cực khổ. 6 xã bị ảnh hưởng bởi Dự án, mỗi xã chịu những hệ lụy khác nhau, nhưng có lẽ khổ nhất vẫn là cảnh “sống khát” bên dự án.
Nước nhiễm phèn, người dân vùng tái định cư xã Thạch Đỉnh phải “sống khát”.
Mòn mỏi bên moong mỏ
Vào năm 2011, để nhường đất cho Dự án, 68 hộ dân ở xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà phải về khu tái định cư mới. Sau 6 năm di dời, những tưởng người dân nơi đây sẽ có một cuộc sống sung túc hơn, nhưng thực tế thì trái ngược lại hoàn toàn. Khi được hỏi đến, tất cả người dân đều tỏ ra ngán ngẩm, chán nản trước những hệ luỵ do Dự án gây ra.
Anh Phan Công Hương (31 tuổi, thôn Xuân Trường) cho biết: 6 năm qua, gia đình anh sống trong cảnh “ba thiếu” - thiếu nước sinh hoạt, thiếu việc làm và thiếu đất sản xuất.
“Giờ nước sinh hoạt không có phải đi xin, ruộng không, công ăn việc làm cũng không nốt. Hàng ngày để có tiền trang trải cuộc sống, toàn bộ đàn ông trong xóm đều đi làm thuê. Cả nhà có 5 miệng ăn, trong đó 2 đứa con đang ở tuổi ăn học đều phụ thuộc vào đồng lương làm thuê ít ỏi của tôi. Tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài, chúng tôi không biết sống sao nữa?”- anh Hương suy tư.
Nghiêm trọng hơn, hiện người dân vùng tái định cư đang phải đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống bị đảo lộn. Người dân nhiều lần cho khoan giếng nhưng hỡi ôi, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn quá nặng nên không thể sử dụng được. Muốn có nước sạch dùng, dân trong vùng phải mua loại can nhựa 20 lít, dùng xe bò đi xin ở vùng khác về sử dụng.
“6 năm trôi qua, cứ hai ngày lại phải đi lấy từ chỗ khác, lấy nhiều lần, nhất là vào mùa hè khi nguồn nước ngầm cạn kiệt, chúng tôi rất nể các hộ có giếng chứa nguồn nước đảm bảo. Vì vậy, nhiều khi chúng tôi đành phải dùng nước nhiễm phèn, người lớn tuổi rồi chết cũng không sợ, nhưng chỉ lo cho các thế hệ con, cháu”- bà Nguyễn Thị Huệ (57 tuổi) lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cũng tỏ ra bức xúc: “Từ ngày khởi công mỏ sắt đến nay, người dân ở đây dính nhiều hệ lụy. Trong đó phải kể đến là gần 10 năm nay xã không được đầu tư các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng xuống cấp, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nước sinh hoạt không thể sử dụng do nhiễm phèn. Đặc biệt, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân vẫn đang là bài toán khó đối với chính quyền địa phương”.
Cũng theo ông Hồng, khu tái định cư Thạch Đỉnh được quy hoạch trên diện tích 50ha, chia làm hai phân khu. Hiện, phân khu thôn Trường Xuân có 68 hộ dân đến sinh sống, phân khu còn lại mặc dù đã được xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất nhưng bỏ hoang và đang bị xuống cấp do người dân không dọn đến ở.
Bên cạnh đó, khu tái định cư thôn Long Giang, xã Thạch Khê cũng rơi vào cảnh hoang tàn, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống điện, nước.
Cần sớm đưa ra quyết định
Liên quan đến Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Bộ KHĐT đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị dừng Dự án vì nhiều lý do như thiếu khả thi, có thể xảy ra sự cố môi trường, khó tiêu thụ sản phẩm…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại khẳng định đã có đủ các giải pháp cho vấn đề trên. Trong khi đó, quan điểm nhất quán của tỉnh Hà Tĩnh là Dự án chưa đảm bảo các điều kiện thì chưa được thực hiện khai thác.
Tại kỳ họp thứ thứ 4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra vào giữa tháng 7 mới đây, ông Lê Đình Sơn- Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: Từ thực tiễn và nghiên cứu các hồ sơ liên quan của Dự án, sau khi có báo cáo của BQL Dự án, UBND tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và cho ý kiến khá kỹ về Dự án này.
Phải cân nhắc một cách đồng bộ các giải pháp, hiệu quả kinh tế xã hội, đặc biệt liên quan đến đời sống người dân trong vùng bị ảnh hưởng; công nghệ khai thác; vấn đề môi trường, bài học về sự cố môi trường. Chúng ta dứt khoát không đánh đổi môi trường để làm kinh tế.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh thì Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã phê duyệt báo cáo tác động môi trường vào năm 2013, đến nay đã 4 năm, theo quy định của luật, quá 2 năm phải xem xét lại, chưa nói đến chất lượng của báo cáo đó và năng lực của chủ đầu tư. Chính vì thế Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh có quan điểm nhất quán là chưa đủ điều kiện thì đề nghị chưa cho làm.
Sau khi có kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng đã có văn bản báo cáo với Quốc hội, thái độ của Hà Tĩnh là rất rõ ràng.
“Sẽ có 3 kịch bản xảy ra, một là tiến hành lại Dự án - điều này chúng ta khẳng định là chưa đảm bảo để Dự án khởi động lại, thẩm quyền là của Chính phủ nhưng tỉnh nhận thấy chưa đủ điều kiện thì đề nghị chưa làm. Hai là dừng, ba là chấm dứt. Tuy nhiên phải Chính phủ đưa ra quyết định. Mong rằng, Chính phủ sẽ sớm có câu trả lời. Tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ, tỉnh sẽ xây dựng phương án, đảm bảo cuộc sống người dân”- ông Sơn nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Do nằm trong quy hoạch nên tại 6 xã bị ảnh hưởng của Dự án gặp rất nhiều khó khăn. Hiện số hộ nghèo của 6 xã vùng mỏ sắt lên tới gần 800 hộ, cận nghèo lên tới gần 700 hộ. Chúng tôi đã làm hết khả năng nhưng do Dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhân dân”.