Ngột ngạt, khó thở, nhà cửa quét dọn cả ngày nhưng chỉ sau một vài tiếng là bám đầy bụi bẩn…, đó là thực trạng mà người dân thôn Quảng Cộng (xã Thạch Quảng) và thôn Cẩm Môn (xã Thạch Cẩm), huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa phải gánh chịu do hoạt động sản xuất nén gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Đạm Xuân.
Được biết, ngày 13/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định 2549 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân tại thôn Quảng Cộng, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành của Công ty TNHH Đạm Xuân (DN Đạm Xuân).
Dự án nằm trên khu đất có tổng diện tích 23.984,4m2. Công suất hoạt động gỗ xẻ ván nan là 20.000; dăm gỗ 5.000 tấn/năm; mùn gỗ 4.500 tấn/năm.
Đáng chú ý, đơn vị này được cho thuê 20.722,4m2 đất với thời hạn 50 năm nhưng chỉ phải trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê. Điều này khiến doanh nghiệp được hưởng lợi khá nhiều khi giá thuê đất vào thời điểm năm 2017 là thấp hơn nhiều so với hiện tại.
Theo phản ánh của người dân địa phương, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2018, tình trạng ô nhiễm bụi, mùi khét, tiếng ồn diễn ra khá thường xuyên khiến người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Đến năm 2021, nhà máy sản xuất thêm sản phẩm là viên nén gỗ khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng khi bụi bột gỗ từ các ống khói liên tục bay theo chiều gió vào nhà dân.
Ghi nhận tại thực địa, chúng tôi thấy nhà máy chế biến gỗ này lọt thỏm trong khu dân cư, nằm đối diện cây xăng (cũng thuộc sở hữu của DN Đạm Xuân). Trong khuôn viên của nhà máy, gỗ dăm, mùn cưa gỗ, cây gỗ tươi được chất cao như núi, tập kết khắp nơi, cùng với đó là tiếng ồn từ hoạt động xẻ gỗ. Ở giữa nhà xưởng là trạm biến áp đang bị bao phủ bởi mùn gỗ với hệ thống dây điện mắc chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ chập điện gây cháy nổ. không đảm bảo an toàn trong công tác thống phòng cháy, chữa cháy. Phía bên trên, những ống khói thô sơ đang được vận hành hết công suất.
Bao quanh nhà máy này là những mái tôn “nâu” phủ nhiều lớp bụi dày. Những cây xanh nằm gần đó, nay cũng đã bạc màu, xơ xác.
Quan sát từ trên cao, có khoảng 40 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp khi nằm cách nhà máy rất gần, chỉ vài chục mét. Phân nửa số hộ này có hộ khẩu thường trú tại thôn Quảng Cộng (xã Thạch Quảng), nửa còn lại là người dân thôn Cẩm Môn (xã Thạch Cẩm).
Nằm cách nhà máy chỉ 1 bức tường, gia đình anh Phan Văn Chiến (34 tuổi, trú thôn Quảng Công) là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hoạt động chế biến gỗ. “Nhà máy này trước họ làm gỗ dăm, ván ép, tuy có gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến các hộ lân cận nhưng chúng tôi thấy họ làm ăn vất vả nên cũng chia sẻ. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, họ sản xuất thêm viên nén gỗ, cứ ngày nào cũng nghiền, rồi sấy, bụi gỗ từ các lò đốt cứ thế bay vào nhà dân, khiến chúng tôi quét cả ngày cũng không sạch. Trước thực trạng này, các hộ dân cũng phản ánh đến chủ nhà xưởng, họ nói sẽ khắc phục, nhưng rồi đâu lại vào đó” - anh Chiến bức xúc.
Nhìn ngôi nhà phủ đầy bụi của gia đình anh Chiến mới hiểu, những nỗi bức xúc trong suốt thời gian dài của anh là hoàn toàn có cơ sở. Tại khu vực tầng 3 và tầng thượng của ngôi nhà, bụi phủ một lớp có màu đỏ.
“Làm quần quật cả mười mấy năm, đi vay khắp nơi mới xây được ngôi nhà cho vợ cho con ở thế mà lại bị xưởng gỗ hành hạ. Nếu lựa chọn lại, có khi tôi không xây nhà, đồng thời bán đất đi kiếm nơi ở khác, chứ cứ ngày ngày sống ở đây, gia đình kiểu gì cũng mắc bệnh về phổi, bệnh về đường hô hấp” - anh Chiến nói.
Tương tự, hàng xóm sống đối diện nhà anh Chiến là bà Trương Thị Hoa (52 tuổi) cho biết, gia đình thường xuyên phải đóng cửa, phủ bạt quanh nhà để bụi không lọt vào được.
Dẫn chúng tôi lên khu vực mái nhà, bà Hoa chỉ vào lớp bụi dày cộp trên mái tôn và cho biết, đây là “thành quả” sau 1 ngày hoạt động của xưởng chế biến gỗ. “Người lớn còn thấy ngột ngạt, khó chịu vì bột gỗ thì con trẻ sẽ sống kiểu gì nếu DN cứ tiếp tục làm ăn cẩu thả như vậy. Chúng tôi đề nghị, DN Đạm Xuân phải có biện pháp khắc phục ô nhiễm, nếu không, phải dừng hoạt động chế biến viên nén gỗ lại. Người dân ở đây không chấp nhận việc bị ảnh hưởng về sức khỏe, trong khi, DN lại được hưởng lợi từ việc gây ô nhiễm môi trường” - bà Hoa nói.
Trao đổi với ông Vũ Đức Trường - Chủ tịch UBND xã Thạch Quảng, vị này thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Đạm Xuân gây ra là có thật. “Đầu tháng 12 vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh của nhân dân và đã cho kiểm tra ngay lập tức. Làm việc với doanh nghiệp thì họ thừa nhận, do việc ép viên nén gỗ sử dụng sấy quạt mùn cưa, quạt thổi mạnh nên ống khói bay vào nhà dân. Ngoài ra, qua kiểm tra, chúng tôi còn phát hiện hoạt động băm dăm gỗ gây ra tiếng ồn. Sau khi trao đổi với doanh nghiệp này, chúng tôi yêu cầu họ dừng hoạt động để khắc phục hậu quả, khi nào hoạt động lại phải đảm bảo làm sao không để ảnh hưởng đến nhân dân” - ông Trường nói.