Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kể từ thời điểm phát dịch tả lợn châu Phi đến nay, số lợn bị tiêu hủy ước tính khoảng 5,8 triệu con, tương đương 300 ngàn tấn thịt lợn hơi, chiếm khoảng 8,5% tổng lợn hơi cả nước. Con số này nếu so với tổng đàn lợn của cả nước hiện nay (25 triệu con) thì không phải là con số quá lớn. Và chắc chắn, nếu con số lợn bị tiêu hủy mà Bộ NN&PTNT đưa ra một con chính xác thì nguồn cung thịt lợn sẽ không thiếu đến mức giá cứ tiếp tục leo thang từng ngày như hiện nay.
Cho đến thời điểm này, giá thịt lợn đã leo cao một cách chóng mặt, có nơi đã chạm mốc 200.000 đồng/ kg. Đây là mức tăng chưa từng có đối với mặt hàng thịt lợn, và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh. Nhiều người tiêu dùng đã và đang phải “thắt lưng buộc bụng”, chuyển đổi món ăn chính thường nhật sang các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm khác. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tính đến thời điểm tháng 10/2019 đã giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là nguyên nhân chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.
Nhìn vào hai con số 20% và 8,5%, đây là sự chênh lệch không hề nhỏ. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính chân thực đối với con số 8,5% do Bộ NN&PTNT cung cấp. Và sự hoài nghi đó hoàn toàn có cơ sở khi mà, trên thực tế số lợn bị các hộ dân tự ý tiêu hủy, không thông báo với cơ quan chức năng lớn hơn rất nhiều. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn nêu lên tình trạng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự ý tiêu hủy, thậm chí vứt ra sông, ra suối mà không báo cáo, nguyên nhân do nhiều hộ dân lo sợ nếu báo cáo sẽ dẫn đến cả đàn lợn bị tiêu hủy. Và như vậy, theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương, lượng lợn bị tiêu hủy còn cao hơn rất nhiều số liệu mà hiện nay chúng ta đang có. Đã có thời điểm, tại một số tỉnh thành, người ta từng chứng kiến xác lợn bị vứt trôi nổi đầy kênh, mương. Và như vậy, rõ ràng, con số xác thực lợn bị tiêu hủy không thể chỉ dừng lại ở 5,8 triệu con, với tỷ lệ 8,5% như con số mà Bộ NN&PTNT công bố.
Câu hỏi được dư luận đặt ra là: Liệu Bộ NN&PTNT có quá lạc quan hay không khi vẫn “tự tin” với con số được công bố trên báo cáo là 5,8 triệu con lợn bị tiêu hủy? Rõ ràng, phải nhìn nhận thực tế là, nguồn cung thịt lợn đang thiếu và việc giá thịt tăng cao ở một số địa phương không thể do khâu lưu thông.
Thiết nghĩ, nhà quản lý cần sòng phẳng với dân, không thể vì muốn làm đẹp con số trong bản báo cáo mà không minh bạch thông tin. Nhìn thẳng vào thực tế đó để nhà quản lý có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn nhằm ổn định thị trường thịt lợn, hạ nhiệt giá thịt lợn trong bối cảnh nhu cầu thịt lợn ngày càng tăng cao vào dịp cuối năm.