Trung tướng Hữu Ước chào đón tuổi 70 của mình bằng triển lãm “Nhà văn Hữu Ước và Sắc màu” tại Nhà triển lãm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (từ ngày 12 đến 19/8). Ngành công an đã cho nhà văn Hữu Ước một nền tảng vốn sống rộng dài, thâm trầm, ôm chứa mọi ngóc ngách cuộc đời.
Phải thế chăng mà một Hữu Ước văn với “Vòng vây cô đơn” (truyện ngắn), “Người đàn bà uống rượu” (truyện ngắn), “Đêm giông” (truyện dài), “Kiếp người” (tiểu thuyết, 3 tập); “Suối cọp” (tiểu thuyết); một Hữu Ước kịch với các vở kịch nói “Vòng xoáy”, “Khoảng khắc mong manh”, “Vòng đời”, “Quả báo”, “Tiếng chuông chùa”, “Nhật kí kẻ tử tù”... và hài kịch “Sếp rởm”; một Hữu Ước phim với các phim truyện nhựa “Đêm giông”, “Cô gái si đa” (2 tập), “Người con gái đất đỏ” và “Tình yêu không có chân trời”; một Hữu Ước thơ với các tập “Nốt trầm”, “Và giọt thời gian”, “Ngẫu hứng thơ”, “Mùi lửa”...; một Hữu Ước nhạc với hợp xướng “Lời Bác - lời của non sông” và các ca khúc “Mẹ tôi”, “Một câu hò sông Hương”, “Tiếng đêm”, “Hãy đốt lên ngọn lửa”, “Khi em là thiên thanh”, “Vỉa hè Hà Nội”, “Em vẫn đợi”, “Tình yêu tuổi hai mươi”...; và một Hữu Ước họa với hàng trăm bức tranh sơn dầu.
Dường như, Hữu Ước luôn gây bất ngờ với giới văn nghệ sĩ. Những cái sự Hữu Ước gây bất ngờ trong giới sáng tác đều gắn liền và là những sự kiện vui. Triển lãm tranh “Sắc màu” như một cái cớ quần tụ đồng đội, bạn bè, anh em văn nghệ sĩ, để mọi người hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn trong công cuộc sáng tạo luôn cô đơn và nổi chìm biến động.
Người ta đến với triển lãm “Sắc màu” của nhà văn Hữu Ước cũng là thể hiện tấm lòng với văn học nghệ thuật. Chúng ta luôn chuyển động và sáng tạo chính là thúc đẩy sự chuyển động toàn vẹn hơn, mãnh liệt hơn. Cuộc sống phải được ùa vào trang giấy, ùa vào sắc màu mới là những điều đọng lại. Hữu Ước luôn phải sống cùng lúc mấy con người.
Trò chuyện với ông anh, chưa bao giờ tôi thấy ông ngừng nói về sáng tác, gần đây nhất là tranh và tượng. Hữu Ước như đã ăn phải bùa mê thuốc lú cầm bay cầm cọ liền tù tì "đẻ" ra bức lớn bức nhỏ, rất hồn nhiên.
Xem tranh của ông ta không khỏi ngạc nhiên về bố cục, màu sắc, đường nét. Hữu Ước có sự tươi mới và nhất là sự hồn nhiên ở trong tranh. Ngoài đời Hữu Ước thế nào dường như tranh đều hiện hình thế ấy. Thẳng băng đường tàu. Đến đáy sự thật. Tuyệt không kiêng kị. Càng không né tránh những vùng sáng - tối.
Với văn cũng vậy. Cái cảnh Hữu Ước tả việc ái tình trong tiểu thuyết “Suối cọp” khiến thiên hạ phát sợ nhưng ông bảo nó đã diễn ra ở chiến trường thì cứ thế đưa vào chứ việc gì dùng đến hư cấu, tưởng tượng. Nghe đâu, tiểu thuyết “Suối cọp” của ông đã lọt vào mắt xanh các nhà đạo diễn phim điện ảnh nước Mĩ và họ đang thương thảo với vị tướng công an.
Trung tướng - nhà văn Hữu Ước ngoài đời rất chỉn chu, nghiêm túc và có phần nghiêm khắc. Ông luôn đúng giờ và luôn coi đó là một sự tôn trọng chính mình. Các cuộc ra mắt tiểu thuyết lịch sử của tôi, ông đều đến rất đúng giờ và phát biểu rất sâu sắc. Hữu Ước có vẻ hãi sợ lịch sử nhưng dường như lịch sử đã chọn Hữu Ước để thi triển một số việc của mình. Hữu Ước làm báo chắc chắn đã đi vào lịch sử. Bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của ông với những chuyện chỉ có Hữu Ước mới trải qua và xử lí được chắc chắn sẽ đi vào lịch sử.
Ông đã nhiều lần nói với bạn bè văn nghệ sĩ là ông chuyên phải giáp mặt với những sự phản thùng một cách không ngần ngại. Ông sống thế nào mọi người đều đã rõ cần đâu phải che chắn, né tránh, che trùm đi những điều không đáng có đã giội vào ông, rõ ràng là Hữu Ước không đáng phải nhận những thứ đó, nhưng ông đã cam tâm lãnh nhận. Đó cũng là một tất yếu của người cầm bút trọn vẹn với chính mình.
Bộ tiểu thuyết “Kiếp người” 3 tập đã ngốn không ít tâm can trí tuệ của ông. Có những lúc là rất căng thẳng. Dường như trong “Kiếp người”, Hữu Ước đã khơi thẳng vào mạch nguồn của chính ông. Sự thật thế nào hãy để nó cất tiếng. Văn chương không thuần túy là câu chuyện của đạo đức mà trước tiên phải là tiếng nói mãnh liệt, tha thiết, không sợ hãi của sự thật, của lương tri. Khi anh đã quyết theo hướng đó, thì những gì còn lại hãy để cho thiên hạ phẩm bình, dù là đắng cay hay hạnh phúc.
Đến tiểu thuyết “Suối cọp” ra mắt năm 2021 lại là một Hữu Ước khác. Ông viết rất tình, rất kì về câu chuyện tình yêu giữa nơi bom đạn mịt mùng, máu thịt luôn bị hất tung lên giữa khét lẹt mùi thuốc súng. Phải ở nơi tận cùng của lằn ranh sống - chết ấy, con người ta mới bộc lộ đến tận cùng bản chất thật của mình. Ác - hiền; Lí trí - trái tim; Tính con - tính người; Dũng cảm - đê hèn... thảy đều hiện ra dưới ngòi bút của Hữu Ước một cách tài tình, nhiều chỗ là thanh thoát. Và dường như “Suối cọp” đã đáp ứng phần nào sự đổi mới khi viết về đề tài chiến tranh, nhất là hình ảnh những người lính nơi chiến trận.
Gần đây thôi, đột ngột có tin Hữu Ước “dính K”. Mà là K thực quản nên vô cùng nguy hiểm. Gọi điện hỏi thăm ông vẫn cười khà khà mà chất giọng vẫn oang oang chẳng có vẻ gì “ka kiếc” là cớ làm sao? Rồi Hữu Ước lên bàn mổ càng khiến đồng đội, bạn bè kinh hãi sự liều lĩnh của ông. Rồi ông lại oang oang bảo xử lí xong hết rồi, sợ quái gì ka kiếc, tao đang chuẩn bị làm triển lãm tranh.
Mọi người bất ngờ nhận giấy mời dự triển lãm của Trung tướng nhà văn Hữu Ước dày như một quyển sách nhỏ. Đúng là cái gì Hữu Ước cũng khác người.
Trong triển lãm tranh của vị tướng công an, mọi người tò mò cả về tranh cả về người Hữu Ước. Ông vừa chậm rãi vừa thoăn thoắt luân chuyển hết góc này góc khác để chụp ảnh chung với bạn bè, với tranh giữa rừng hoa rừng cười vô vàn khuôn mặt. Cái cách Hữu Ước phát biểu khai mạc vẫn tưng tửng như trước.
Câu nào ra câu đấy. Văn ra văn, tranh ra tranh. Nhiều câu ông phát biểu hôm sau thấy các báo đều lấy làm tít của riêng mình. Bao nhiêu năm làm Tổng biên tập nên Hữu Ước có biệt tài đặt tít, khi phát biểu về cuộc đời bảy chục xuân xanh của mình, Hữu Ước nói câu nào cũng đầy riêng biệt đều có thể chuyển ngay thành tít báo. Bảy chục xuân xanh mà xem ra ông anh hãy còn trai tráng lắm.
Trung tướng - nhà văn Hữu Ước là một nét đặc sắc riêng của ngành công an. Hiện nay, trên cương vị Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn công an, ông đang ngày đêm chăm bẵm và đôn đốc, đón đỡ những tác phẩm của các nhà văn viết về ngành công an, nhất là các nhà văn mặc sắc phục. Đã hàng chục năm dày công thành lập, thậm chí là “bắt cóc” các nhà văn ngoài công an vào ngành để đội ngũ của ông thêm dày vững. Đó cũng là một đặc tính rất Hữu Ước, chỉ có ở Hữu Ước.
Nhân dịp truyền thống của lực lượng công an nhân dân, chúng tôi, những nhà văn quân đội chân thành chúc Trung tướng nhà văn Hữu Ước chân cứng đá mềm, một mình một ngựa tốc chiến tốc thắng, thêm một voi kéo gỗ, thêm một trâu kéo cày, thêm một bầy em út, vững chí bền gan tiếp tục đắm say trên con đường lao động nghệ thuật, thỏa sức cầm bay vẽ, cầm choòng búa đục, cầm bút viết để độc giả, khán giả, thính giả, thị giả, mọi giới mọi ngành được tiếp tục tò mò về các sáng tạo của ông.