Nằm ở vùng giáp ranh giữa 2 sa mạc, thị trấn Minqin (Trung Quốc) từng là một ốc đảo phì nhiêu. Thế nhưng, do sự sa mạc hoá sâu rộng, người dân nơi đây đang từng ngày phải sống giữa bốn bề là cát.
Bão cát có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Thị trấn Minqin (thuộc tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc) nằm kẹp giữa 2 sa mạc đang bành trướng là Tengger và Badain Jaran (sa mạc lớn thứ 4 trên thế giới). Trước đây, Minqin là một ốc đảo xanh tươi, đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng, sau hơn một thế kỉ bị hạn hán tấn công, Minqin ngày càng tàn lụi bởi sự sa mạc hóa.
Nguy cơ biến mất
Kể từ những năm 50 tới nay, hơn 100 dặm vuông tại Minqin đã bị cát che phủ và trở thành những vùng đất hoang. Khu vực này ngày càng trở nên khô hạn hơn với 130 ngày trong năm bị gió bụi, bão cát tấn công và tiếp tục bị các sa mạc xung quanh lấn chiềm dần. Diện tích đất, vốn đã ít ỏi để trồng cây xanh, nay lại ngày càng thu hẹp hơn. Cụ thể, diện tích đất trồng trọt giảm 6 lần từ 360 dặm vuông xuống còn chưa đầy 60 dặm cho tới nay.
Diện tích bị thu hẹp nhưng dân số ở thị trấn Minqin không hề giảm theo mà còn tăng từ 860 nghìn người lên đến 2 triệu người. Chính điều này khiến cuộc sống người đây nơi đây vốn đã khó khăn, giờ lại trở nên chật chội và ngột ngạt hơn.
Con sông Shiyang khô cạn.
Mọi sinh hoạt của người dân Minqin lâu nay đều dựa vào nguồn cung cấp nước chính từ con sông Shiyang. Nhưng nay con sông này đã khô cạn hoàn toàn do tình trạng hạn hán nghiêm trọng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, các dự án thủy điện khổng lồ.
Hiện Minqin đã giảm xuống chỉ còn một diện tích rất nhỏ đất màu mỡ, còn các sa mạc vẫn ngày càng mở rộng. Người ta ước tính rằng khu vực này sẽ biến mất hoàn toàn trong thập kỷ tới khi Minqin bị sa mạc Tengger và Badain Jaran nuốt chửng.
Khắc phục khó khăn
Với diện tích đất ngày càng ít và khả bị tổn thương tăng lên, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức coi Minqin một khu vực thảm họa sinh thái. Để đối phó với việc Minqin đang đứng trước nguy cơ dần biến mất, giới chức nước này năm 2008 chi 4,7 tỷ tệ (653 triệu USD) để cứu nơi đây khỏi trở thành hồ Lop thứ hai. Hồ Lop vốn là hồ lớn thứ hai ở tây bắc Trung Quốc trước khi bị khô cạn vào năm 1972 do hiện tượng sa mạc hoá và do môi trường suy thoái.
Người dân Minqin tận dụng mưa tuyết để trồng trọt.
Ngoài ra, người dân Minqin cũng tận dụng những trận mưa tuyết hiếm hoi nơi đây để trồng cỏ và các loài cây trên vành đai sa mạc vì tuyết tan đã làm cho đất đai bớt khô cằn. Cũng trong năm 2008, Minqin đã trải qua một trận bão tuyết kỷ lục với lượng mưa rơi xuống đạt 11 mm, lớn hơn nhiều lần so với mức chỉ 0,5 mm trong những mùa đông bình thường. Tận dụng điều này, nông dân đã trồng cỏ và các loại cây sa mạc trên diện tích 30 nghìn ha đất cát.
Ông Zhang Xuemin- một lãnh đạo Minqin cho biết, mưa tuyết đã gây thiệt hại 2,7 triệu USD do những tổn thất trực tiếp, nhưng nó cũng mang lại cơ hội hiếm hoi để cải thiện sinh thái. Nông dân địa phương đã không bỏ phí thời gian, tham gia trồng cây trên sa mạc. Các quan chức thậm chí còn sử dụng máy bay để gieo hạt, nhờ thế làm tăng diện tích đất có cây che phủ.
Minqin đang dần bị sa mạc hoá.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng cho xây dựng những vùng đất tái định cư và sẽ lập tức di dời hơn 2 triệu người dân sinh sống nơi đây, nếu tình trạng sa mạc hóa lan rộng và một ngày nào đó Minqin sẽ bị nuốt chửng.