Không chỉ ngân hàng thương mại tư nhân, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng đã chính thức công bố biểu lãi suất huy động mới với mức tăng khoảng 1% so với trước khi điều chỉnh. Trong bối cảnh chứng khoán và vàng rung lắc mạnh, kênh tiết kiệm đang hút thêm tiền gửi.
Ngân hàng lớn nhập cuộc
Nếu như tuần trước, các ngân hàng thương mại (NHTM) tư nhân tăng lãi suất huy động thì nay 4 NHTM có vốn nhà nước cũng không còn đứng ngoài cuộc đua.
Cụ thể, tại Agribank, với kỳ hạn 1-2 tháng được ngân hàng niêm yết mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 4,4%/năm. Các mức lãi suất này vẫn thấp hơn trần quy định (5%/năm) song đã tăng khoảng 1%/năm so với trước đó. Tiền gửi không kỳ hạn cũng được nâng lên mức 0,3%/năm. Tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Agribank cũng nâng lãi suất lên mức 6,4%/năm, cùng tăng 0,8%/năm.
VietinBank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng - dưới 3 tháng đã tăng thêm 1% lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng - dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8%/năm so với trước.
Tương tự, tại Vietcombank, kỳ hạn 1 - 2 tháng cũng ở mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,4%/năm. Đối với tiền gửi trực tuyến, Vietcombank thậm chí còn áp dụng mức lãi suất cao hơn với kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng áp sát mức trần cho phép là 4,9%/năm. Kỳ hạn 6 - 9 tháng lần lượt là 5,3 - 5,4%/năm. Tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng mức lãi suất lên tới 6,8%/năm. Như vậy, nếu khách hàng gửi tiền online tại Vietcombank, mức lãi suất nhận được sẽ cao hơn từ 1 - 1,3%/năm so với trước đó.
Do duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài, mức điều chỉnh lần này của các NHTM có vốn nhà nước cao hơn so với mức điều chỉnh gần đây của các NHTM cổ phần tư nhân song lãi suất huy động các kỳ hạn vẫn thấp hơn khối NHTM cổ phần tư nhân, vốn đã tăng lãi suất huy động nhiều đợt kể từ đầu năm tới nay.
Mặc dù lãi suất huy động tăng, song các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ tác động đáng kể đến phục hồi kinh tế do Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ đà phục hồi. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định NHNN sẽ theo dõi diễn biến thị trường để có những biện pháp điều hành phù hợp.
Về vấn đề này, theo ông Trương Văn Phước - nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, Việt Nam trong vị thế có độ mở lớn với nền kinh tế - cũng không còn lựa chọn nào khác. Theo đó, ngày 23/9, lần đầu tiên sau 2 năm, NHNN tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn. Nếu cố giữ mặt bằng lãi suất thấp, Việt Nam sẽ không thể kiểm soát được tỷ giá và lạm phát.
Kênh tiết kiệm hút khách
Đặt trong bối cảnh chứng khoán và vàng đang có rung lắc mạnh, gửi tiết kiệm vẫn là một kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn.
Bà Mai Đào Cúc (ngõ 165 Phố Huế, Hà Nội) kinh doanh phụ tùng xe máy chia sẻ, hơn 2 tháng nay tình hình kinh doanh có chậm lại nên bà không dồn tiền nhiều vào hàng hóa. Dư một khoản nhỏ bà đem gửi tiết kiệm. “Thấy mọi người phàn nàn về các kênh đầu tư như bất động sản và chứng khoán, tôi chọn gửi tiết kiệm cho chắc chắn. Tuổi già như tôi chọn an toàn” - bà Cúc nói.
Chị Bùi Lê Huyền (Khu đô thị Linh Đàm) cũng cho biết, cuối tuần qua, khi hay tin lãi suất huy động tăng lên, chị đã rút số tiền còn lại trong tài khoản chứng khoán để gửi tiết kiệm ngân hàng. Thứ nhất là an toàn, thứ hai là mức lãi suất ở thời điểm hiện tại còn lợi hơn là chơi chứng khoán.
Nhiều người cũng cho rằng tiết kiệm ngân hàng gần đây có triển vọng hơn khi lãi suất huy động đã tăng lên bình quân trên 6,5%/năm. Trong khi rủi ro thấp hơn so với đầu tư vàng, tuy nhiên hạn chế của lãi suất là sự kém linh động, lợi nhuận tăng trưởng chậm. Chọn gửi tiết kiệm được gọi là nhờ ngân hàng giữ tiền chứ không hẳn là đầu tư.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn chiến lược đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, với việc tăng lãi suất tiền gửi của nhiều NHTM thì dòng vốn sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Trước đây có thể nhiều nhà đầu tư còn để tiền ở tài khoản chứng khoán vì lãi suất kỳ hạn ngắn của các ngân hàng thấp. Nhưng nay, kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm nên nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn. “NHNN công bố số liệu tiền gửi của hệ thống NHTM đến hết tháng 6 đã gia tăng và tôi nghĩ số liệu này trong quý 3/2022 vẫn tiếp tục đi lên” - ông Khánh nhận định.
Số liệu của NHNN về tiền gửi của các tổ chức tín dụng cho biết, tính đến cuối tháng 6 số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi dân cư gần gấp đôi so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tăng 3,61% so với cuối năm 2021, đạt 5,84 triệu tỷ đồng). So với tháng 5, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm hơn 50.400 tỷ đồng. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng thêm hơn 318.000 tỷ đồng.
Giá vàng miếng trong nước sáng ngày 28/9 bất ngờ giảm 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng thương hiệu SJC ở thị trường Hà Nội được niêm yết ở mức 63,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 64,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường TPHCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 63,5 triệu đồng/lượng và 64,5 triệu đồng/lượng. Tuy rớt giá mạnh nhưng tại thời điểm này giá vàng SJC bán lẻ vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi khoảng 17,75 triệu đồng/lượng.