Hầu hết mọi người đều muốn có nhà cao cửa rộng. Nhưng rất nhiều người không bao giờ có được điều đó. Nhiều người phải sống trong những không gian chật chội, có thể nói là siêu nhỏ. Thế nhưng cuộc sống vẫn trôi qua từng ngày...
Căn nhà 11,5m2 của cặp đôi ở Colorado, Mỹ.
1.Đất chật người đông cộng với giá cả tăng vọt ở các thành phố lớn trên thế giới khiến nhiều người phải sống trong những căn hộ siêu nhỏ chỉ vài mét vuông.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), giá nhà ngày càng đắt. Rất nhiều người không thể tạo cho mình một chỗ ở riêng, mà phải đi thuê. Nhưng kể từ năm 2012 đến nay, giá thuê nhà đã tăng gấp đôi. Hong Kong nhiều người giàu nhưng cũng không ít người nghèo.
Họ buộc phải sống qua ngày trong những “căn nhà lồng” xếp chồng lên nhau, cho dù giá thuê “nhà lồng” không hề rẻ chút nào. Trong cái “lồng” đó, họ chỉ có thể ngả lưng trên một chiếc giường đơn, bao quanh bằng rào sắt. Dù thế thì họ vẫn phải trả hơn 200 USD mỗi tháng tiền thuê nhà.
“Nhà lồng” ở Hong Kong (Trung Quốc).
Cùng với “nhà lồng”, ở đây còn có một loại nhà khác được gọi là “nhà quan tài”, chỉ rộng khoảng 5,5m2. Không thể hai người cùng ngủ chung trong loại nhà này, nên nếu một bà mẹ đơn thân nuôi một đứa con thì đành phải thuê hai cái “nhà quan tài”, với giá gần 500 USD một tháng. Trong nhà, chỉ có một chiếc giường đơn; còn nhà vệ sinh, bồn rửa mặt thì vài “nhà” dùng chung một cái.
Khó khăn hơn nữa, có khu vực chủ nhà “dựng” tới 19 căn hộ rộng, mỗi “căn” chỉ có diện tích 2,2m2. Theo Cục Điều tra dân số và thống kê đặc khu Hong Kong, năm 2015 có khoảng 200.000 người sống trong 88.000 căn hộ chia nhỏ.
2. Ở một góc độ khác, nhiều nơi trên thế giới lại có những ngôi nhà nhỏ đặc biệt. Chúng được hình thành từ những kiến trúc sư với mong muốn có thêm nhiều chỗ ở cho những người thu nhập thấp. Những thiết kế tài tình của các kiến trúc sư đã biến những khoảng không gian vốn chật chội trở nên đẹp đẽ và ngăn nắp.
Năm 2014, cặp đôi Tiffany - Allan đã biến phòng khách trong ngôi nhà của một thuyền trưởng từ những năm đầu thế kỷ 19 thành một “căn hộ lý tưởng”. Căn hộ chưa tới 20m2 của họ đã giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc thi “Những căn hộ siêu nhỏ”. Căn hộ thiết kế “quy chuẩn” đến nỗi người ta thấy hết sức thoải mái, không khác gì ở trong một căn hộ 100m2.
Tương tự, ông Gary Chang- một kiến trúc sư Hong Kong đã biến căn hộ 20,5m2 ở khu tập thể thành một không gian sống hiện đại với đầy đủ phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ và cả nơi ngủ dành cho khách. Bí quyết của Chang chính là những tấm trượt có thể dễ dàng kéo qua lại giúp tiết kiệm không gian.
Căn nhà 9,3m2 thân thiện với môi trường ở Edinburgh, Scotland.
Còn đối với Christian Schallert, nhiếp ảnh gia, năm 2003 khi chuyển đến Barcelona (Tây Ban Nha) đã không thể tìm được một căn hộ giá phải chăng.
Vì thế, anh đã biến một chuồng chim bồ câu nằm trên nóc một tòa nhà, cách mặt đất khoảng 60m thành nhà của mình. Nhờ mắt thẩm mỹ và khả năng thiết kế, anh đã biến nơi đây thành một căn nhà thoáng đãng song cũng rất ấm cúng theo phong cách Lego.
Những tấm trượt giúp C.Schallert dễ dàng che đi khu vực bếp, nhà ăn, phòng tắm và nhà vệ sinh. Còn giường ngủ được đặt ở ban công tầng thượng, nơi anh có thể phóng tầm mắt để ngắm toàn cảnh thành phố Barcelona. “Chính ở độ cao này mà tôi đã có những bức ảnh Barcelona rất ấn tượng” - C.Schallert nói một cách hào hứng.
Còn nữ kiến trúc sư Macy Miller (tiểu bang Idaho, Mỹ) đã tự tay thiết kế và xây dựng lại căn nhà bình thường thành một căn hộ nhỏ nhắn xinh xắn, 18m2, nơi cô đang sống cùng chồng và chú chó cưng. Ngôi nhà ngụ trên một chiếc xe kéo phẳng, toàn bộ chi phí xây dựng là 11.500 USD. “Dù nhỏ bé nhưng chúng tôi sống rất thoải mái, không hề có một chút bất tiện nào”- M.Miller nói.
Ngôi nhà 7,3m2 của kiến trúc sư Zenzo Piano (Đức).
Đối với Elizabeth Turnbull, khi trúng tuyển vào đại học Yale cô đã quyết định xây dựng cho mình một căn nhà 13,5m2 để ở trong thời gian học, vì không thể vào ký túc xá.
Trong quá trình xây dựng, Turnbull luôn để tâm đến những tác động tới môi trường mà ngôi nhà có thể gây ra và luôn cố giảm thiểu tối đa những tác hại đó bằng việc sử dụng gỗ có chứng nhận FSC (Hội đồng Quản lý rừng), sơn không độc và cửa sổ tái chế. Ngôi nhà bé tẹo độc đáo của cô đã trở thành nơi ghé thăm thường xuyên của bè bạn cùng học.
Tương tự, Zach Griffin cùng 4 người bạn đã thực hiện một chuyến đi trượt tuyết xuyên quốc gia. Để chuẩn bị cho cho chuyến hành trình 14.400km trong 6 tuần, họ đã cùng nhau xây dựng một căn nhà 10,5m2. Chỗ ngủ cho cả 4 người là chiếc giường ngủ ghép từ một chiếc giường đôi và một ghế sofa. Trong nhà có máy phát điện, lò nướng và một bếp dầu để nấu nướng. Do không có phòng tắm nên Zach cùng bạn bè thường phải xin tắm nhờ ờ nhà dân ven đường.
Cuối cùng có thể kể đến ngôi nhà hơn 9m2 của cặp đôi Chris - Malissa Tack, tại thành phố cảng Seattle, Washington (Mỹ). Cả hai người đều làm lâu năm trong lĩnh vực công nghệ, họ quyết định rời bỏ cuộc sống vật chất, bộn bề để tìm những phút giây yên tĩnh trong một căn nhà siêu nhỏ, giản đơn.
Diện tích chỉ hơn 9m2 nhưng trong căn nhà này vẫn để được những vật dụng cần thiết như máy giặt, máy sấy, tủ đựng đồ, và giường ngủ. Ngôi nhà được giáo sư Mike Page đến từ đại học Hertfordshire và nhà sáng lập Dự án Cube thiết kế để chứng minh rằng một người bình thường hoàn toàn có thể “sống một cách thoải mái và hiện đại mà không gây quá nhiều ảnh hưởng xấu tới môi trường”.