Với lượng mưa trung bình 1.200 cm mỗi năm, Meghalaya (Ấn Độ) được mệnh danh là khu vực ẩm ướt nhất thế giới. Người dân ở đây phải sống chung trong những cơn mưa triền miên nối từ ngày này sang ngày khác.
Một ngày bình thường ở ngôi làng nhiều mưa nhất trái đất.
1. Để có thể tồn tại trong một khu vực mưa triền miên, độ ẩm không khí rất cao, người dân vùng Meghalaya phải tìm ra phương cách sống cho riêng mình.
Amos Chapple- nhiếp ảnh gia người New Zeland đã từng đến Meghalaya nhiều lần. “Tôi bị mê hoặc bởi những cơn mưa xối xả, vắt từ ngày này sang ngày khác. Cả một vùng trời đất trắng xóa. Những người đi trong màn mưa cũng trắng xóa. Có tận mắt chứng kiến mới thấy sự kiên cường và sức chịu đựng dẻo dai của người dân ở đây”- Amos nói.
Nhiếp ảnh gia này cũng đã công bố bộ ảnh “độc nhất vô nhị” của mình chụp tại khu vực mưa nhiều nhất trái đất. Những bức ảnh không có sự tương phản về ánh sáng, cũng không có độ đậm nhạt thường thấy- có nghĩa là nó “nằm ngoài quy định tối thiểu của nhiếp ảnh” nhưng về độ chân thực thì miễn bàn. Và chính vì thế mà người ta đánh giá rất cao tài năng cũng như “thái độ sống” của Amos.
Toàn bộ cuộc sống hàng ngày của cư dân nơi đây đã được Amos ghi lại một cách thật sự mê hoặc và chân thực.
Meghalaya là một bang tại Đông Bắc Ấn Độ, với diện tích 22.429km2, khoảng 70% diện tích là rừng che phủ. Mưa quá nhiều đã biến nơi đây thành khu vực ẩm ướt nhất thế giới. Tại đây có khoảng 3 triệu người, chủ yếu là người dân tộc Khasi (khoảng 1,2 triệu người), người Garos và người Jaintia.
“Họ đã ở đây không dưới 2.300 năm. Họ là những người thầm lặng và kiên cường”- Amos nói.
Nguyên nhân của những trận mưa lớn tại đây là do dòng không khí ẩm từ vùng đồng bằng ngập nước của Bangladesh di chuyển về phía Bắc. Khi những đám mây đi qua những ngọn đồi dốc cao của Meghalaya, nhiệt độ giảm làm nước ngưng tụ, gây mưa liên tục. Để chống chọi lại với những trận mưa dai dẳng, người dân ở đây chế tạo ra một loại “áo mưa” có tên là Knups với hình dạng như chiếc thuyền được làm từ tre và lá chuối. Trong những đợt mưa lê thê, giao thông bị ngưng trệ. Để có thể di chuyển, người ta đã làm những cây cầu nối những thân cây cao lớn lại với nhau. Vì thế, có thể nói, không ở đâu có được những cây cầu độc đáo đến vậy, vì chúng có thể tự “lớn lên”.
Người dân trong vùng cho biết, 2 tháng đỉnh điểm của mùa mưa hằng năm là tháng 6 và tháng 7. Có làng trong vùng phải hứng chịu khoảng 7.000mm nước, không khác gì thác đổ xuống. Cho đến tháng 10, khi mùa mưa tạm ngớt, những cây cầu lại cao thêm vài cm- điều kỳ lạ mà không nơi nào có được. Những cây cầu “sống” này dài tới 30m và có thể chịu được tải trọng của 50 người.
Mặc dù vùng Meghalaya nắm giữ kỷ lục lượng mưa lớn nhất trên Trái đất, nhưng những nghiên cứu mới đây cho thấy miền bắc Colombia có lượng mưa trung bình hàng năm cao tới hàng nghìn mm. Cụ thể, thị trấn Lloro ở vùng tây bắc Colombia có lượng mưa trung bình 13,473mm theo số liệu quan trắc trong vòng 3 năm. Bên cạnh đó, Puerto Lopez cũng ở Colombia có lượng mưa trung bình 12,892 mm.
Theo nhà nghiên cứu khí hậu Christopher C. Burt thì Puerto Lopez mới chính là nơi ẩm ướt nhất trên thế giới. Lý giải được ông đưa ra là do vị trí địa lý của Puerto Lopez, tựa lưng vào dãy núi Andes chặn những luồng gió mậu dịch nhiệt đới mang hơi ẩm từ Thái Bình Dương đưa vào, gây mưa như trút nước. Ghi nhận của giới khí tượng thủy văn cho thấy, trung bình 1 năm nơi đấy có tới 320/365 ngày mưa.
Để dễ dàng đi lại, người dân Meghalaya phải làm cầu nối với những cây cao.
2. Với Việt Nam, cũng có nhiều vùng được ghi nhận độ ẩm không khí cũng như số ngày mưa trong năm khá lớn.
Trái ngược với vùng đất Ninh Thuận với lượng mưa hiếm hoi, thì thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) được coi là “điểm hẹn của những cơn mưa”. Những trận mưa dầm dề của Huế tạo ra ấn tượng rất khó phai với du khách. Mưa ở đây đã gợi cảm hứng cho sáng tác văn học-nghệ thuật, trong đó bài hát “Mưa trên phố Huế” được nhiều thế hệ biết đến. Du khách đến Huế mùa mưa thường thích một mình ngồi bên bờ sông Hương, nhìn mưa như bay trên mặt sông.
Cách Huế chừng 150km bên kia đèo Hải Vân, đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng có nhiều ngày mưa trong năm. Khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11, trong những cơn mưa, dòng sông Hoài ẩn hiện vô cùng thi vị. Người ta gọi đó là “mùa nước nổi” của Hội An. Mưa rả rích trên những mái nhà rêu phong đem đến vẻ đẹp lãng mạn não nùng đượm màu thời gian của phố Hội.
Tại khu vực Tây Nguyên, Đà Lạt và Buôn Ma Thuột cũng là những thành phố có nhiều ngày mưa. Với Đà Lạt, người ta rất thích thú với những cơn mưa vội. Mưa Đà Lạt thường bất chợt, trong không khí và làn hơi nước ẩm ướt như có mùi của những cây thông xanh và cả mùi nồng nàn của đất đỏ bazan. Những cơn mưa chợt đến chợt đi làm cho thành phố cao nguyên mang một vẻ đẹp khác biệt.
Còn thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc), khi mùa mưa đến như đổi màu áo với những rừng cao su xanh tốt và tiếng gầm của dòng sông Serepôk huyền thoại. Mùa mưa, những dòng thác Đray Sap, Đray Nur đẹp hơn, lãng mạn hơn. Còn hồ Lắk như rộng thêm, với những đợt sóng cồn lên như biển...
Knups - vật dụng hàng ngày của người dân vùng Meghalaya (Ấn Độ).