Thời điểm này, việc tìm phòng trọ phù hợp hay đăng ký ký túc xá đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các tân sinh viên.
Tân sinh viên lo chỗ ở
Đầu tháng 10, hầu hết các tân sinh viên đã hoàn tất thủ tục nhập học. Đây cũng là giai đoạn cao điểm của “sốt” phòng trọ với các sinh viên xa nhà, lên thành phố nhập học.
Với điểm thi tốt nghiệp THPT 22,5 điểm, con gái chị Nguyễn Ngọc Trâm (Bắc Kạn) trúng tuyển ở nguyện vọng thứ 5 vào Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, khoa Luật Kinh tế. Sau khi con hoàn tất thủ tục nhập học, tuần này chị xin nghỉ phép ở cơ quan để tìm chỗ ở trên thành phố cho con.
Chị Trâm cho biết, chị tìm phòng trọ cho con thông qua một người môi giới. Tuy nhiên, 2 ngày hôm nay, mấy phòng trọ mà người này chỉ dẫn hầu hết chị đều không ưng ý, còn nơi chị ưng thì giá quá cao so với thu nhập của gia đình chị hoặc đã có người thuê.
“Năm đầu con học xa nhà nên tôi khá lo lắng. Lên tìm chỗ ở cho con nhưng không dễ trong ngày một, ngày hai. Trước mắt tôi cho con ở tạm nhà người bạn ở trên này tầm 1 tháng. Tôi nghĩ, qua tháng cao điểm này việc tìm phòng trọ phù hợp sẽ dễ dàng hơn”, chị Trâm nói.
Không may mắn được ở nhà người quen hay đủ tiêu chuẩn đăng ký ký túc xá, nhiều sinh viên ngoại tỉnh khác đang chật vật tìm phòng trọ. Nhiều em tìm kiếm chỗ ở qua mạng xã hội hoặc tìm bạn ở ghép phòng để chia sẻ tiền thuê nhà mỗi tháng.
Em Nguyễn Thu Trang (Nam Định), tân sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, em muốn đăng ký ký túc xá ở cho đỡ tốn kém nhưng trường không còn phòng và em cũng không phải là đối tượng được ưu tiên ở ký túc xá.
Hiện, Trang cùng 2 bạn đồng hương khác đã thuê được một phòng trọ gần trường với mức giá 3,5 triệu đồng/tháng. Nếu cộng các chi phí sinh hoạt, điện nước, mỗi em sẽ phải chi trả khoảng hơn 1,5 triệu đồng. “Với sinh viên lần đầu xa nhà, phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ như chúng em thì đây là một khoản tiền lớn”, Trang chia sẻ.
Qua khảo sát, nhu cầu thuê phòng trọ tăng cao kéo theo đó là giá cả thuê nhà cũng leo thang, trung bình tăng từ 200-500 nghìn đồng/tháng. Ông Trần Ngọc Thảo, chủ nhà 5 tầng cho thuê ở phố Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mỗi phòng trọ ông tăng 300 nghìn đồng so với năm ngoái nhưng vẫn rất đông gia đình hỏi thuê vì vị trí nhà ông trung tâm lại mới được sửa sang sạch sẽ. Đến thời điểm này, tất cả các phòng đều đã kín chỗ.
Nhiều giải pháp hỗ trợ cho tân sinh viên
Trước nhu cầu chỗ ở cho sinh viên, các trường đại học đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên, đặc biệt là chỗ ở ký túc xá.
TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, năm 2022, tân sinh viên được ưu đãi xét ở ký túc xá nhiều hơn các khóa trước, dẫu vậy cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên.
Năm nay, Trường Đại học Phenikaa đón hơn 4.000 tân sinh viên nhập học đợt 1. Thấu hiểu nỗi lo chỗ ở của nhiều tân sinh viên ngoại tỉnh, Trường Đại học Phenikaa cho biết, trường đã chuẩn bị chỗ ở cho tân sinh viên đăng ký ở ký túc xá. Các phòng đều được bố trí phòng vệ sinh khép kín, lắp quạt trần, thiết kế giường hai tầng, tủ quần áo, điều hòa, bình nóng lạnh đầy đủ… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các em.
Ngoài ra, trường cũng áp dụng quy định ưu tiên được đăng ký ở ký túc xá đối với các tân sinh viên thuộc diện đối tượng chính sách như con thương binh, liệt sĩ, vùng sâu vùng xa, người khuyết tật…
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 4 ký túc xá sinh viên, bao gồm: Ký túc xá Ngoại ngữ, Ký túc xá Mễ Trì, Ký túc xá Mỹ Đình và Ký túc xá cơ sở Hòa Lạc, đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt và học tập của học sinh, sinh viên.
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, để đón tiếp sinh viên nội trú vào ở năm học 2022-2023, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên nhà trường đã hoàn thành công tác sửa chữa về cơ sở vật chất, bố trí phòng ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường các ký túc xá. Hệ thống dịch vụ sẵn sàng đón tiếp sinh viên vào ở từ những ngày đầu tháng 9/2022.
Mặc dù số lượng phòng ở tại các ký túc xá vẫn đang hạn chế, tuy nhiên Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã dành hàng nghìn chỗ ở cho các tân sinh viên, trong đó Ký túc xá Ngoại ngữ 456 chỗ, Ký túc xá Mễ Trì 471 chỗ, Ký túc xá Mỹ Đình 328 chỗ. Riêng Ký túc xá Hòa Lạc đáp ứng cho 1.000 chỗ dành toàn bộ cho các sinh viên năm thứ nhất.
Bên cạnh đó, năm nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên đã chú trọng công tác truyền thông để sinh viên nắm bắt số lượng chỗ ở nội trú, điều kiện cơ sở vật chất… và địa chỉ liên lạc cùng các thông tin liên quan. Ban quản lý các khu ký túc xá cũng sẽ tổ chức đón tiếp, hướng dẫn cho sinh viên đăng ký nội trú trực tuyến, đồng thời có lực lượng sinh viên tình nguyện để hỗ trợ, hướng dẫn thêm cho các tân sinh viên.