Ở thời điểm hiện tại, dịch sốt xuất huyết (SXH) và số ca mắc đã và đang có chiều hướng giảm ở khu vực phía Bắc.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, tuần vừa qua số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố đã giảm gần 240 ca so với tuần trước đó và giảm khoảng 400 ca so với những tuần cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023. Cụ thể, tính từ ngày 17 - 24/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.237 trường hợp mắc SXH tại 30 quận, huyện, thị xã. Nếu như cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn Hà Nội trong khoảng từ 2.600-2.700 ca/tuần thì đến thời điểm này đã giảm xuống còn hơn 2.200 ca/tuần.
Tương tự, CDC Hải Dương cũng cho biết, thời gian gần đây, dịch SXH tại địa phương đã có những dấu hiệu lắng xuống khi số ca mắc mới giảm hơn so với giai đoạn trước. Cụ thể, trong tuần vừa qua, tỉnh Hải Dương ghi nhận 131 ca mắc, giảm 17 ca so với tuần trước đó. Trong tuần xuất hiện thêm 4 ổ dịch mới nhưng có tới 14 ổ dịch kết thúc sau 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Tuy nhiên, Hải Dương hiện vẫn còn 10 ổ dịch đang hoạt động.
Dẫu thế, ở một số địa phương, dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp. Tại Quảng Bình, thời tiết diễn biến bất thường đã tạo điều kiện cho dịch bệnh SXH Dengue bùng phát, số ca mắc có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong 1 tuần ghi nhận thêm 159 người mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Theo CDC Quảng Bình, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 1.360 ca mắc SXH Dengue, 1 trường hợp tử vong.
Theo CDC Hà Nội, dù số ca mắc giảm nhưng tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp. Số ca mắc ghi nhận vẫn ở mức cao. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Nhằm nâng cao ý thức phòng dịch của người dân trong cộng đồng, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh SXH để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và điều trị bệnh kịp thời, hạn chế ca bệnh nặng và tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo: SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue (với 4 type huyết thanh D1, D2, D3 và D4) có trong muỗi vằn lây truyền từ người sang người qua vết cắn của muỗi. Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm: Khi virus tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch gây hậu quả là cô đặc máu. Từ đó, bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn. Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Ông Cường cho biết, với các trường hợp nhẹ hoặc SXH trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Người bệnh cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol, kết hợp với việc nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hàng ngày. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.
Theo BS Nguyễn Đình Phúc - Giám đốc Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), khi có tình trạng sốt, đau mỏi người, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm, tìm rõ nguyên nhân. Nếu mắc SXH ở thể nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng cũng cần có hướng dẫn của cán bộ y tế. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, tái khám của bác sĩ để có lộ trình chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Đối với bệnh SXH, nếu được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi, bệnh nhân sẽ an toàn hơn rất nhiều.