Ngày 3/4, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Nigeria (NCDC) cho biết số người tử vong vì sốt virus Lassa ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này đã tăng lên 142 trường hợp kể từ đầu năm đến nay. Hiện sốt xuất huyết do virus Lassa đã lan rộng ra 23/37 bang, với tổng số 784 trường hợp được xác nhận. Cụ thể, 97 trong số 774 khu vực hành chính tại Nigeria đã ghi nhận ít nhất 1 trường hợp nhiễm bệnh. NCDC ước tính tỷ lệ tử vong do bệnh này gây ra là 18,1%.
Sốt Lassa là căn bệnh do virus Lassa gây ra, mà con người thường mắc phải sau khi tiếp xúc với thực phẩm hoặc đồ dùng gia đình bị nhiễm nước tiểu hoặc phân của chuột bị nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là bệnh lưu hành trong cộng đồng dân cư ở một số vùng của Tây Phi. Trong một số trường hợp, sốt Lassa có các triệu chứng tương tự sốt rét, xuất hiện từ 1 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc với virus. Trong trường hợp nhẹ, bệnh gây sốt, mệt mỏi, suy nhược toàn thân và đau đầu.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2019, NCDC đã tuyên bố một đợt bùng phát mới của dịch sốt xuất huyết Lassa, khiến 16 người chết chỉ trong vòng 1 tháng, bất chấp những thành công được ghi nhận trong năm 2018 về việc đẩy lùi dịch bệnh này. Lúc đó, tỷ lệ tử vong của sốt Lassa là 24,3%; ghi nhận xuất hiện ca bệnh tại 8/37 bang của Nigeria. Trong năm 2018, dịch sốt Lassa đã khiến 171 người Nigeria thiệt mạng trong số 633 trường hợp được xác nhận dương tính với Lassa.
Tới nay, sốt Lassa được xác định là căn bệnh nhiễm một loại virus cùng họ với các virus như Marburg và Ebola. Tên gọi Lassa được đặt theo tên một địa phương ở miền bắc Nigeria, nơi dịch sốt này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1969. Sự lây lan dịch này thường thông qua sự bài tiết của loài gặm nhấm hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với máu, nước tiểu, phân hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bệnh.
Virus Lassa gây dịch chính thức ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1969 tại thị trấn Lassa, miền Bắc Nigeria, cách Owo khoảng 1.000 km. Sau đó nó đã trở thành bệnh đặc hữu ở 5 quốc gia Tây Phi. Kể từ đó, theo CDC châu Phi, bệnh sốt Lassa lây nhiễm cho khoảng 100.000 đến 300.000 người ở châu Phi mỗi năm, cướp đi mạng sống của nhiều người. Đáng chú ý, sốt Lassa thường gây sảy thai, có thể truyền từ mẹ sang con và tồn tại trong sữa mẹ đến 6 tháng.