Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bước vào mùa cao điểm với tốc độ lây lan nhanh tại cả hai miền. Tại TPHCM, số ca mắc đã vượt 11.000 chỉ trong 6 tháng đầu năm, trong khi Hà Nội ghi nhận các ổ dịch có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ. Đáng lo ngại, nhiều ca bệnh nặng xuất hiện sớm – cho thấy dịch năm nay đang có xu hướng diễn tiến phức tạp hơn thường lệ.
Ca bệnh tăng nhanh, bệnh nặng xuất hiện nhiều
Ngay từ đầu mùa mưa, SXH đã có dấu hiệu tăng nhanh tại nhiều địa phương. Tính đến tuần 27 của năm 2025, TPHCM ghi nhận 11.014 ca mắc SXH, tăng gần 40% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, riêng tuần giữa tháng 6 đã có 507 ca mới – mức tăng tới 50% so với những tuần đầu tháng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cảnh báo, tình hình đang có dấu hiệu vượt ngưỡng cảnh báo, đặc biệt với số ca nhập viện vì biến chứng nặng.
Tại Hà Nội, dù tổng số ca chưa cao như khu vực phía Nam, nhưng dịch đã bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc. Trong tuần cuối tháng 6, thành phố ghi nhận thêm 45 ca mắc, nâng tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm đến nay lên 331 trường hợp. Sở Y tế Hà Nội cho biết, một số ổ dịch có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng an toàn. Với điều kiện thời tiết mưa nhiều, nắng nóng xen kẽ như hiện nay, nguy cơ dịch lan rộng trong tháng 7 và tháng 8 là rất lớn nếu không được kiểm soát sớm.
Không chỉ số ca mắc mới tăng mạnh, mà số lượng bệnh nhân có biểu hiện nặng cũng đáng lo ngại. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 92 bệnh nhi được điều trị nội trú vì SXH, trong đó 19 trường hợp diễn tiến nặng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Một trong những ca điển hình là trẻ 12 tuổi, nặng 83kg, nhập viện trong tình trạng sốc, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp. Do thể trạng béo phì, cháu bé có đáp ứng điều trị kém, phải điều trị tích cực nhiều ngày mới vượt qua nguy hiểm. Theo BS Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc bệnh viện, nhóm trẻ thừa cân, nhũ nhi dưới 1 tuổi, hoặc có bệnh nền chuyển biến rất nhanh và có nguy cơ tử vong cao nếu không phát hiện kịp thời.
Tại miền Bắc, Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 27 tuổi, có tiền sử ghép thận, nhập viện với chẩn đoán SXH Dengue nặng. Bệnh nhân bị cô đặc máu nghiêm trọng, rối loạn điện giải, giảm tiểu cầu sâu – dù đã được theo dõi y tế sớm từ tuyến dưới. Các bác sĩ đánh giá đây là ca bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp kịp thời bằng các biện pháp hồi sức tích cực. Trước đó, nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội cũng ghi nhận các ca SXH nhập viện trong tình trạng tiểu cầu hạ nhanh, chảy máu cam, đau bụng âm ỉ – những dấu hiệu thường bị bỏ qua nếu người bệnh không được theo dõi sát sao từ ngày thứ ba của bệnh trở đi.
Diễn biến này cho thấy, SXH năm nay không chỉ đến sớm hơn mọi năm mà còn có xu hướng gây biến chứng nhanh, đặc biệt ở nhóm có yếu tố nguy cơ như trẻ nhỏ, người béo phì, bệnh nhân ghép tạng, người có bệnh lý nền mạn tính. Trong khi đó, tâm lý chủ quan vẫn tồn tại trong cộng đồng, nhất là khi bệnh khởi phát với triệu chứng giống cúm thông thường: sốt cao, đau đầu, mỏi người – dễ khiến người bệnh tự điều trị và chỉ đến viện khi đã có dấu hiệu nặng.
Không chờ đến khi chuyển nặng mới lo phòng bệnh
Điểm đáng lo ngại trong mùa dịch năm nay là tốc độ diễn tiến của bệnh có xu hướng nhanh và nặng hơn, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như béo phì, suy giảm miễn dịch, trẻ dưới một tuổi hoặc người đã từng mắc SXH. Trong nhiều trường hợp, người bệnh đến viện khi đã có dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng, như tụt huyết áp, cô đặc máu, rối loạn đông máu khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, biểu hiện SXH ở trẻ em năm nay không còn “điển hình” như các mùa dịch trước. Không ít ca bệnh nhập viện trong tình trạng không có ban xuất huyết ngoài da, không chảy máu chân răng nhưng lại xuất hiện dấu hiệu cảnh báo kín đáo hơn như đau tức vùng gan, mệt lả, chán ăn, nôn nhiều, tay chân lạnh. Đây là thời điểm rất dễ bị nhầm là đang phục hồi sau sốt, trong khi thực tế, người bệnh có thể đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất.
Với người lớn, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận, ghép tạng, nguy cơ diễn tiến thành SXH nặng cao hơn nhiều lần.
Trong bối cảnh đó, tiêm vaccine ngừa SXH là giải pháp phòng ngừa chủ động được ngành y tế khuyến khích. Từ năm 2024, Việt Nam đã cho phép lưu hành vaccine Qdenga (Takeda – Nhật Bản) phòng cả 4 tuýp virus Dengue. Vaccine này có hiệu quả phòng bệnh hơn 80% và giảm đến 90% nguy cơ nhập viện do SXH. Hiện vaccine được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn, kể cả người đã từng mắc bệnh. Phác đồ gồm hai mũi, cách nhau ba tháng. Phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng có thể tiêm phòng, với điều kiện hoàn thành tiêm ít nhất một tháng trước khi thụ thai.
BS Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa hệ thống VNVC khuyến cáo: “Khi trong khu vực có ca mắc SXH, người dân nên chủ động đi tiêm phòng, thay vì chờ đợi đến khi bùng phát ổ dịch. Vaccine không thay thế hoàn toàn các biện pháp truyền thống như diệt lăng quăng, nhưng là hàng rào bảo vệ đặc biệt quan trọng đối với nhóm có nguy cơ biến chứng cao”. Bên cạnh tiêm chủng, việc nhận biết sớm dấu hiệu cảnh báo cũng là yếu tố then chốt để tránh hậu quả đáng tiếc. Nếu sốt cao liên tục trên hai ngày, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm máu, theo dõi tiểu cầu và các dấu hiệu chức năng gan, thận. Trong trường hợp được theo dõi tại nhà, cần đặc biệt chú ý từ ngày thứ ba trở đi – khi cơn sốt có thể giảm nhưng nguy cơ sốc lại gia tăng.