Trưa 9/5, lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an đã tiến hành khám xét cửa hàng Nhật Cường Mobile (thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường) tại 33 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cùng một số cơ sở khác liên quan. Trong buổi sáng ngày 9/5, toàn bộ chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile trên địa bàn thành phố Hà Nội đồng loạt đóng cửa.
Nhật Cường Mobile thành lập từ năm 2001 rồi nhanh chóng phất lên. Cho tới năm 2017, doanh nghiệp này đã nằm trong danh sách 50 công ty về công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam. Lý do khám xét chuỗi cửa hàng của Nhật Cường là để cơ quan chức năng điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu. Việc “sa lưới” của doanh nghiệp này được dư luận bàn tán ở nhiều góc độ, đặc biệt là phương thức hoạt động.
Cơ quan chức năng khám xét, thu giữ tang vật tại một cơ sở của Nhật Cường Mobile. Nguồn: Laodong online.
Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp (DN) này đã trúng nhiều gói thầu liên quan đến dịch vụ cung cấp phần mềm cho nhiều cơ quan nhà nước trên địa bàn Hà Nội. Trong khi trên hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Công ty Nhật Cường kinh doanh thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, sản xuất điện thoại di động, dịch vụ cầm đồ và bán vé máy bay. Cũng cần lưu ý rằng, kể từ năm 2011, DN này “khởi nghiệp” từ việc sửa chữa điện thoại. Như vậy, trong một thời gian không dài, DN đã “lớn nhanh như thổi”. Như người vẫn ta nói, chỉ có “phù phép” thì mới có việc trong vòng chưa tới 10 năm, từ một cơ sở sửa chữa điện thoại mới có thể “chen chân” vào được vị trí 50 công ty công nghệ thông tin hàng đầu của đất nước.
Rồi đây cơ quan chức năng sẽ xem xét “phép mầu” ở đây là gì. Nhưng trước mắt, việc Công ty “danh giá” Việt Cường đối mặt với pháp luật cũng khiến người ta nghĩ đến việc khởi nghiệp, lập nghiệp của DN. Khởi nghiệp là chủ trương lớn, đúng đắn của đất nước, khiến nền kinh tế thêm động lực, vận hành mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Khởi nghiệp cũng là lập nghiệp, làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội, tất nhiên phải là làm ăn chân chính.
Thực tế cho thấy, khởi nghiệp vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với bất cứ người nào muốn bước chân vào con đường DN, với khát vọng phát triển công ty ngày một lớn mạnh, và bản thân trở thành một doanh nhân uy tín. Ý chí, bản lĩnh, khát vọng khi mạnh dạn khởi nghiệp của bất cứ ai cũng đều đáng trân trọng. Tiếp đó, càng đáng trân trọng hơn khi người đó, DN đó làm ăn chân chính, đứng vững trên đôi chân của chính mình. Tôn trọng pháp luật, không móc ngoặc làm ăn gian dối, không là “sân sau” của bất cứ nhóm lợi nào. Đó chính là con đường duy nhất để từ khởi nghiệp tới lập nghiệp một cách bền vững. Ngược lại, nếu làm ăn gian dối thì trước sau gì cũng bị pháp luật xử lý, cho dù lúc đó nhờ vào “phép mầu” mà DN đã trở thành những tập đoàn lớn.
Thời gian qua, không ít DN chân chính thành công trên thương trường trong nước, nhiều DN còn vươn ra thị trường nước ngoài, thu được nhiều lợi nhuận đồng thời cũng góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu DN, sản phẩm cho đất nước. Nhưng cũng không ít DN sụp đổ chỉ vì vi phạm pháp luật. Hai mảng sáng - tối đó càng cho thấy pháp luật không dung thứ cho những hoạt động làm ăn phi pháp. Dư luận xã hội đồng tình với việc xử lý nghiêm minh sai phạm ở tất cả các lĩnh vực xã hội cũng không loại trừ hoạt động kinh tế. Khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp nhưng phải là làm ăn chân chính chứ không phải là gian dối, cạnh tranh thiếu lành mạnh; không phải là chuyện móc ngoặc, hối lộ quan chức thoái hóa biến chất để làm giàu.
Trở lại với vụ Công ty Nhật Cường, cũng thật đáng tiếc vì đây là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - lĩnh vực được xác định là cực kỳ quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, là đòn bẩy để tạo ra đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng âu đó cũng là sự cảnh tỉnh, cảnh báo nghiêm khắc đối với các DN, không loại trừ bất cứ lĩnh vực nào. Chỉ có làm ăn chân chính bằng chính sức của mình, tôn trọng pháp luật, không gian dối móc ngoặc, đưa hối lộ, buôn lậu… thì mới có thể phát triển bền vững.