Không có ngày nghỉ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ có liên quan, lãnh đạo các địa phương miền Trung, các cơ quan chuyên môn và nhiều nhà khoa học đã liên tục có những buổi làm việc trong những ngày vừa qua, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó với hiện tượng cá chết bất thường ở ven biển miền Trung.
Phân tích mẫu nước lấy từ điểm quan trắc môi trường nước biển tại Hà Tĩnh sáng 1/5 (Ảnh: Việt Hùng).
Công khai số liệu quan trắc chất lượng môi trường nước biển mỗi ngày
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, được biết, kể từ ngày 2/5, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bao gồm: Viện Tài nguyên và Môi trường biển; Trung tâm Khảo sát, Nghiên cứu, Tư vấn môi trường biển; Viện Hải dương học; Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường biển hải quân; Viện Nghiên cứu hải sản… cùng với Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã tiến hành quan trắc chất lượng nước biển tại khu vực miền Trung.
Như vậy, ở Hà Tĩnh hiện có 6 điểm hàng ngày được lấy mẫu thực hiện quan trắc đánh giá chất lượng nước biển ven bờ gồm: Bãi tắm Xuân Thành, Bãi tắm Xuân Hải, Bãi tắm Thạch Hải, Bãi tắm Thiên Cầm, Bãi tắm Kỳ Ninh, Bãi tắm Mũi Đao.
Quan trắc phân tích chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được thực hiện tại 4 điểm: Bãi tắm Vũng Chùa, Bãi tắm Đá Nhảy, Bãi tắm Nhật Lệ, Bãi tắm Hải Ninh.
Ở tỉnh Quảng Trị được thực hiện tại 3 điểm: Mũi Si (thị trấn Cửa Tùng), Bãi tắm Gio Hải (Gio Linh), Bãi tắm Mỹ Thủy (Hải Lăng).
Quan trắc phân tích chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tại 9 điểm: Cửa biển Lăng Cô, Bãi tắm Lăng Cô, Bãi tắm Cảnh Dương, Cửa biển Vinh Hiền, Bãi tắm Vinh Thanh, Bãi tắm Thuận An, Cửa biển Thuận An, Bãi tắm Quảng Ngạn, Bãi tắm xã Điền Lộc.
Phương pháp quan trắc và phân tích tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước biển mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Số liệu quan trắc được thông tin công khai hàng ngày.
Mời thêm nhiều nhà khoa học nước ngoài tìm nguyên nhân
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ là nơi chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan và mời các nhà khoa học nước ngoài tư vấn để tìm nguyên nhân về sự cố môi trường ở miền Trung theo tinh thần khẩn trương, khách quan, khoa học, độc lập.
Trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Bộ TN&MT được giao là cơ quan phát ngôn về kết luận cuối cùng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo đó, ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học Đức, Mỹ, Israel đang hoạt động trong lĩnh vực hải dương học, địa chất ven biển, kỹ thuật bờ biển và môi trường bền vững.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề nghị các nhà khoa học nước ngoài hợp tác nhằm đáp ứng cấp bách những yêu cầu trước mắt trong công tác điều tra sự cố môi trường khu vực biển miền Trung Việt Nam. Cho rằng kinh nghiệm của các nhà khoa học sẽ là những bổ sung quý báu cho Việt Nam trong việc xác định nguyên nhân sự cố môi trường biển miền Trung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các nhà khoa học hợp tác với Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - các đơn vị chủ trì công tác nghiên cứu khoa học tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Đồng thời các nhà khoa học nước ngoài cũng tham gia vào việc quan trắc chất lượng nước biển, đặc biệt là đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả trực tiếp ra biển Vũng Áng (Hà Tĩnh): “Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học hôm nay có mặt ở đây tham gia luôn vào việc đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả trực tiếp ra biển Vũng Áng - Hà Tĩnh. Và chúng tôi cũng mong các nhà khoa học tham gia khảo sát quan trắc chất lượng nước biển khu vực này”.
Theo GS Roberto Mayerle- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Công nghệ Đại học Kiel - CHLB Đức, sau khi làm việc với Bộ TN&MT, nhóm các nhà khoa học nước ngoài sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong trường hợp cần thiết, các nhà khoa học cũng sẽ đưa thêm chuyên gia, mang thêm các trang thiết bị để giúp Việt Nam điều tra nguyên nhân sự cố môi trường biển vừa qua. “Nếu chúng ta đi đúng hướng và làm việc với tinh thần khẩn trương, chúng tôi tin sẽ cùng với các nhà khoa học Việt Nam sớm tìm ra nguyên nhân sự cố”- GS Roberto Mayerle cho biết.