Kinh tế

Sử dụng định danh cá nhân làm mã số thuế: Tiện lợi và an toàn

T. Hằng 02/07/2025 09:30

Từ ngày 1/7, số định danh cá nhân cấp theo Luật Căn cước sẽ sử dụng thay cho mã số thuế (MST) của cá nhân là người Việt Nam. Số định danh cá nhân của người đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được sử dụng thay cho MST.

Sử dụng số định danh cá nhân trong quá trình kê khai, tra cứu hay nộp thuế

Theo quy định tại khoản 7 điều 35 luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Thông tư 86/2024/TT-BTC, từ ngày 1/7, số định danh cá nhân cấp theo Luật Căn cước sẽ sử dụng thay cho MST của cá nhân là người Việt Nam.

screenshot_1(1).png
Từ ngày 1/7, số định danh cá nhân cấp theo Luật Căn cước sẽ sử dụng thay cho mã số thuế của cá nhân là người Việt Nam. Ảnh: M.H

Như vậy một người chỉ có một MST duy nhất, đó chính là số định danh cá nhân. Việc áp dụng số định danh thay cho MST không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, mà còn là bước đột phá giúp ngành Thuế kết nối hiệu quả với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người nộp thuế sẽ không cần phải ghi nhớ các MST riêng biệt. Thay vào đó, họ chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân trong quá trình kê khai, tra cứu hay nộp thuế. Nhờ vậy, các giao dịch thuế sẽ trở nên nhanh chóng, tiện lợi hơn, đồng thời góp phần giảm thiểu sai sót do nhầm lẫn thông tin.

Để triển khai sử dụng số định danh thay cho MST và sử dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức trong giao dịch thuế điện tử Cục Thuế cũng đã có hướng dẫn tới các Chi cục Thuế.

Theo hướng dẫn của Cục Thuế, từ ngày 1/7, với các tổ chức không thuộc diện được cấp tài khoản định danh điện tử thì vẫn tiếp tục thực hiện thủ tục thuế điện tử theo các quy định hiện hành.

Cục Thuế yêu cầu các chi cục thuế đẩy nhanh tiến độ rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế của cá nhân, phục vụ chuyển đổi MST đã cấp sang sử dụng số định danh cá nhân và người đứng đầu doanh nghiệp (DN) đăng ký thuế, phục vụ xác thực với Bộ Công an để cấp định danh tổ chức.

Theo đó, đảm bảo quá trình thực hiện thủ tục thuế của người nộp thuế không bị gián đoạn sau khi chuyển đổi.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó trưởng Ban Nghiệp vụ, Cục Thuế lưu ý, để không bị từ chối cấp tài khoản định danh điện tử, DN cần đảm bảo thông tin kê khai trùng khớp với dữ liệu đã đăng ký tại cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Các thông tin bắt buộc khớp gồm: tên, MST, ngày thành lập, địa chỉ trụ sở, họ tên và số định danh cá nhân của người đại diện pháp luật hoặc người đứng đầu tổ chức.

Ngoài ra, người nộp thuế nên chủ động kiểm tra, đối chiếu thông tin tại website tra cứu thuế điện tử (https://tracuunnt.gdt.gov.vn) hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để cập nhật kịp thời.

Thuận tiện cho người dân

Ông Hồ Bách - chủ một hộ kinh doanh ngành nghề giáo dục ở Thành Vinh (Nghệ An) khẳng định, ông ủng hộ với việc đồng nhất các dữ liệu liên quan đến định danh cá nhân. “Tôi thấy việc đồng bộ dữ liệu cá nhân là cần thiết. Như vậy, người dân đỡ phải nhớ nhiều” - ông Bách nói.

Một số hộ kinh doanh cũng cho biết cần đơn giản các thủ tục để hỗ trợ người dân tiếp cận với các chính sách mới.

Theo khẳng định của lãnh đạo ngành thuế, cán bộ, công chức ngành thuế sẽ cần nỗ lực rất lớn để đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống, xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ người nộp thuế. Việc chuyển đổi không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ, mà còn là nhiệm vụ chính trị gắn liền với chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ.

Bên cạnh việc triển khai MST mới, ngành Thuế cũng đang tích cực sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, phù hợp với định hướng của Chính phủ và Bộ Tài chính trong quá trình kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước.

Liên quan đến tổ chức bộ máy mới đồng bộ theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động trơn tru, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay từ ngày 1/7/2025, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành đề nghị các Trưởng Thuế tỉnh, thành phố; các Trưởng Thuế cơ sở và Thủ trưởng các Ban, đơn vị thuộc Cục Thuế tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm, khẩn trương bắt tay ngay vào công việc, tiếp cận địa bàn và đặc biêt là triển khai thực hiện công tác tham mưu chính quyền cấp tỉnh, thành phố, công tác phối hợp với chính quyền cơ sở, các sở, ban, ngành trên địa bàn, đảm bảo chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Bên cạnh đó là kiện toàn nhân sự, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng trong ban lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận chức năng phối hợp nhịp nhàng trong triển khai công việc. Bố trí cán bộ, công chức thường trực 24/7 để kịp thời tiếp nhận, giải đáp, hỗ trợ các khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người nộp thuế trong thời gian chuyển đổi.

“Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi mặt công tác quản lý thuế. Trong mô hình tổ chức mới, địa bàn trải rộng và số đối tượng quản lý rất lớn, hiện đại hóa là yêu cầu cấp bách. Các đơn vị phải chủ động nghiên cứu, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển và ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, tận dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, quản lý rủi ro, trong quản trị nội bộ, giúp hoạt động chỉ đạo, điều hành công việc được kịp thời, nâng cao năng suất lao động. Làm giàu các Kho cơ sở dữ liệu lớn phục vụ khai thác hiệu quả cho nhu cầu công việc” - ông Thành nói.

Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là dãy 12 chữ số do Bộ Công an cấp. Người có căn cước công dân 12 số thì số căn cước chính là mã số định danh cá nhân. Người dân có thể tra cứu số định danh trên ứng dụng VNeID hoặc tại dichvucong.dancuquocgia.gov.vn. Với trẻ em, mã số định danh hiển thị ngay trên Giấy khai sinh. Đặc biệt, khi truy cập ứng dụng VNeID, người dân chọn vào mục “Thông tin lưu trú”, sẽ hiển thị mã số định danh của các thành viên trong cùng hộ gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng định danh cá nhân làm mã số thuế: Tiện lợi và an toàn