Khó có thể giữ bí mật về một chiếc máy bay lai khí cầu có kích thước lớn đến nỗi sẽ sớm ghi danh trong sách kỷ lục Guiness thế giới, chỉ vài ngày trước khi nó sẵn sàng để cất cánh từ một nhà chứa ở phía Bắc thủ đô London Anh.
Chiếc máy bay lai khí cầu Airlander 10 (Nguồn: AP).
“Lần gần đây nhất mà tôi lái cỗ máy này là vào năm 2012” - phi công David Burns nói - “Và không ai được phép chụp ảnh nó”.
Bảng điều khiển của chiếc máy bay này hoàn toàn khác với các mẫu máy bay thông thường khác, trong đó gồm cả nhiều cần điều khiển để có thể vận hành quả khí cầu chứa đầy khí Heli này. Vào thời điểm năm 2012, sự tồn tại của chiếc máy bay lai khí cầu này vẫn được giữ kín, do nó được kế thừa từ một dự án quân sự của Mỹ bị thất bại do thiếu ngân sách.
Mẫu máy bay Airlander 10 giờ đây đã sẵn sàng để cất cánh một lần nữa. Sau hàng loạt các cuộc thử nghiệm dưới mặt đất, nó sắp sửa bắt đầu một hành trình bay thử kéo dài 200 giờ trước khi được đưa ra sử dụng để chở hành khách vì mục đích thương mại, thay cho các mẫu máy bay truyền thống.
Tuy nhiên, Airlander 10 vẫn có thể được sử dụng vào mục đích quân sự, bởi chính phủ Anh đã cấp nguồn vốn cho dự án này với số tiền lên tới 3 triệu USD.
Nick Allman, Giám đốc dự án phát triển chiếc máy bay lai này, nói rằng Airlander 10 sẽ là một hình mẫu đầu tiên có khả năng thay đổi ngành hàng không thế giới.
“Chúng tôi xem nó như tương lai của ngành hàng không” - Allman nói - “Nó sẽ có giá rẻ hơn, thân thiện với môi trường hơn, và chúng ta có thể đến được những nơi mà trước đây không thể đến được. Nó sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong cách thức di chuyển trên không của con người”.
Phần là khí cầu, phần giống trực thăng, phần giống máy bay, chiếc Airlander 10 có độ dài tới 92 m, và bên trong chứa tới 38.000 mét khối khí Heli. Áp suất của loại khí nhẹ hơn không khí này sẽ giúp Airlander duy trì hình dạng khis động lực của phần thân làm bằng sợi Carbon, sợi Kevlar và Mylar.
Chính nhờ hình dáng đặc biệt của Airlander - được nhiều người mô tả như một chiếc “bánh bao bay” - đã đóng góp tới 40% sức nâng của nó khi bay trên không. Cỗ máy này cũng thích hợp với các động cơ Dieesel V8 325 mã lực, giúp nó có thể đạt được vận tốc 148 km/h và cung cấp lực đẩy thẳng đứng để cất cánh.
Bên dưới Airlander là một khoảng trống có khả năng mang lượng hàng hóa lên tới 10 tấn và có nhiều chân trượt giúp nó có thể hạ cánh trên đất, cát, nước hoặc thậm chí là băng. Airlander 10 cũng đặc biệt thân thiện với môi trường nhờ mức tiêu thụ nhiên liệu cực ít và tiếng ồn động cơ được duy trì ở mức thấp hơn hẳn nếu so sánh với máy bay phản lực.
Nó có thể đạt độ cao tối đa 6.100 m và giữ độ cao này trong suốt 5 ngày liền, khiến nó trở thành một mẫu máy bay lý tưởng cho các mục đích do thám, thả hàng hoặc chỉ đơn giản là đi ngắm cảnh. Airlander “sống” dựa chủ yếu vào lượng khí Heli của nó, được đựng trong nhiều ngăn khác nhau. Điều này giúp phi công dễ điều khiển máy bay hơn, nhưng cũng có thể gây nguy hiểm trong trường hợp một trong các ngăn chứa này bị rò rỉ.
“Nó thực sự là một cỗ máy đặc biệt” - phi công lái thử nghiệm Burns nói - “Tầm nhìn từ chiếc máy bay này rất tuyệt nhờ các khung cửa sổ lớn, và nó bay ở độ cao khá thấp”.
Viên phi công cũng đề cập tới độ an toàn rất cao của máy bay - điều mà nhiều người quan tâm nhất kể từ sau sự kiện nổ khí cầu Hindenberg của Đức ở New Jersey hồi năm 1937 khiến 36 người thiệt mạng.
Airlander 10 hiện đang được giữ trong một khu nhà chứa có cấu trúc giống như nhà thờ. Khu nhà chứa này từng là nơi lưu giữ chiếc R101, một khí cầu mà Anh chế tạo (có kích thước lớn gấp đôi Airlander 10) bị nổ hồi tháng 10/1930, khiến 48 người thiệt mạng.
Hiện tại, Airlander 10 đã được trang bị một phòng vãng cảnh, để phục vụ du khách trong tương lai - trong đó có khả năng sẽ gồm cả ca sỹ chính của nhóm Iron Maiden Bruce Dickinson, người được cho là đã chi 360.000 USD để du lịch trên chiếc máy bay lai khí cầu này.
Nếu chuyến bay sắp tới của Airlander 10 thành công, nó sẽ tiếp tục được cải tiến thành mẫu Airlander 50, với kích thước lớn hơn cùng khả năng chở hàng cao gấp 5 lần. Và điều đó sẽ đánh dấu sự hồi sinh của khí cầu trong thế giới hiện đại.