Sự răn đe hữu ích

Tinh Anh 28/08/2021 07:21

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tuyên bố: Để dân tập trung trò chuyện, không thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, bí thư, chủ tịch cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm. Đây được xem là lời nhắc nhở mang tính răn đe đối với những cán bộ còn thiếu nhiệt huyết, chưa làm tròn chức phận được giao trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 ở một số địa bàn.

Thực ra, kể cả Bí thư Nguyễn Văn Quảng không tuyên bố dứt khoát như vậy, thì mặc nhiên theo quy định, các cán bộ lãnh đạo địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện tốt việc giãn cách xã hội để phòng dịch. Lời của người đứng đầu TP Đà Nẵng chỉ là sự khẳng định thêm để nhắc nhở những cán bộ còn thiếu trách nhiệm với công việc.

Song, tất nhiên là lời tuyên bố của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sẽ mang lại hiệu quả chuyển biến rõ rệt hơn rất nhiều so với việc cứ chiếu theo quy định hiện hành. Lấy ví dụ, nếu xảy ra tình trạng người dân vẫn túm năm tụm ba “tán chuyện”, bí thư, chủ tịch phường hoàn toàn có thể đưa bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố ra để “thế thân” chịu tội.

Nhưng nay Bí thư Quảng đã khẳng định rằng, các vị mới là người phải chịu trách nhiệm chính, thì có lẽ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn sẽ tốt hơn rất nhiều. Xét về tâm lý chung thì chẳng ai muốn “bỗng dưng” bị kỷ luật hay mất chức cả. Vì thế, họ sẽ không còn dám “lờ vờ” làm cho có nữa, mà sẽ phải tận tâm, tận lực với công việc.

Không chỉ các chuyên gia y tế thế giới, mà ngay cả ngành y tế trong nước cũng đã nhiều lần khuyến cáo, SARS-CoV-2 biến thể Delta có tốc độ lây lan cực nhanh, nếu không kịp thời thực hiện các biện pháp cần thiết một cách nhanh chóng nhất, dịch sẽ bùng phát trên diện rộng. Vì thế, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền cơ sở là rất quan trọng.

Bởi lẽ, việc một số địa phương phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là việc “cực chẳng đã” do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vậy mà lãnh đạo chính quyền cơ sở lại thiếu trách nhiệm, để người dân tụ tập đông người để trò chuyện, liên hoan... thì mục tiêu giãn cách xã hội trở thành vô nghĩa, không đạt hiệu quả.

Gọi là giãn cách người với người, nhà với nhà, thôn xóm với thôn xóm, phường với phường... mà người dân vẫn có thể tập trung chuyện phiếm thì làm sao có thể ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19? Ai có thể biết chắc được trong đám đông khoảng 10 người tập trung “tán chuyện”, liệu có ai đó mang mầm bệnh Covid-19 trong người hay không?

Chỉ cần một người là F0, lập tức 9 người còn lại rất có khả năng sẽ bị nhiễm bệnh. Nếu không kịp thời phát hiện để khoanh vùng, cách ly, con số đó sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân khó kiểm soát. Đó là lý do mà Chỉ thị 16 quy định: Người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, không được phép tụ tập quá hai người nơi công cộng...

Khi mà tình hình đại dịch Covid-19 đã diễn biến phức tạp, khó lường, buộc phải triển khai thực hiện Chỉ thị 16, thì trách nhiệm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương... là phải thực hiện nghiêm quy định phòng dịch ở mức cao nhất. Chỉ cần một chút chủ quan, lơ là thiếu trách nhiệm, dịch bệnh sẽ nhanh chóng lây lan ra diện rộng khó bề khống chế.

Vậy nhưng, ở một số tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chính quyền cơ sở ở một số địa bàn vẫn tỏ ra thờ ơ, chưa quan tâm đúng mức tới việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Chính Bí thư Quảng khi đi thị sát thực tế cũng đã tận mắt chứng kiến người dân tụ tập “tán chuyện” tại nhiều con hẻm, ngõ phố.

Tận mục sở thị tình trạng chính quyền cơ sở và người dân lơ là với việc phòng dịch khiến người đứng đầu TP Đà Năng lo lắng. Bởi thế, ông Quảng buộc phải có lời nhắc nhở mang tính răn đe về trách nhiệm của bí thư và chủ tịch phường. Hy vọng, lãnh đạo chính quyền cơ sở biết sợ mà chuyên tâm hơn vào việc phòng chống dịch trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự răn đe hữu ích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO