Càng cao ánh mặt trời càng gay gắt chói chang, gió lạnh thổi từ nhiều hướng, không khí loãng khiến quá trình hô hấp trở nên khó khăn. Mặc dù với, một vài nơi có điều kiện khắc nghiệt như vậy, sự sống vẫn tồn tại. Đỉnh Everest thuộc dãy núi Himalaya, nơi được mệnh danh là nóc nhà thế giới là một trong số đó.
Dãy núi Himalaya nổi tiếng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt
Nếu có dịp khám phá Everest, bạn sẽ tìm thấy sự sống hiện hữu ở bất kỳ đâu quanh khu vực này. Từ chân núi cho đến đỉnh núi, từ những cánh rừng rậm cho tới đồng cỏ hay những núi đá phủ tuyết, một số loài sinh vật đã “tạo dựng” nên “ngôi nhà” của mình trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái Đất.
1. Chân núi Himalaya
Chân dãy núi Himalaya nằm cách bề mặt nước biển khoảng 610m. Đây là nơi từng có rừng rậm bao phủ nhưng nhiều cây cối đã bị đốn hạ để lấy đất làm nông trại. Những cánh rừng còn lại là nơi trú ẩn của loài voi châu Á và loài tê giác. Đây còn là môi trường sinh sống của loài gấu đen, báo đốm và hơn 340 loài chim.
Loài hổ cũng sống ở vùng chân núi Himalaya ở Bhutan. Năm 2010 người ta phát hiện ra rằng loài sinh vật này sinh sống ở độ cao cao hơn rất nhiều trong suy nghĩ của mọi người trước đây.
Loài rắn nước hay ẩn mình ở những dòng suối
Khi nghe dân làng kể lại họ đã sợ hãi gặp hổ như thế nào, nhà sinh vật học Alan Rabinowitz đã quyết định hành trình leo đến độ cao 4.000m để xác định thực hư câu chuyện thông qua việc đặt máy quay kín. Máy quay đã ghi lại hình ảnh của rất nhiều sinh vật sinh sống nơi đây, trong đó có cáo đỏ, mèo rừng, khỉ, báo, gấu đen Himalaya, sơn dương, hươu xạ và thậm chí cả gấu trúc đỏ.
Báo tuyết có bộ móng to giúp chúng bám chắc trên địa hình núi đá
2. Triền núi
Lên lưng chừng núí Himalaya không còn những cánh rừng hay nông trang giống ở chân núi nữa mà thay vào đó là những khu rừng lá kim xen lẫn với những thác nước hùng vĩ. Đây là khu vực sinh sống của một số loài động vật hoang dã như voọc vàng, khỉ mũi hếch.
Voọc vàng có bộ lông dày giúp chúng chống lại cái giá lạnh. Cũng giống như nhiều loài sinh vật khác ở vùng này, vào mùa đông loài voọc vàng sống ở những thung lũng thấp và vào mùa xuân lại trèo lên những triền núi cao hơn. Ngoài ra, ở nơi đây còn ghi nhận sự xuất hiện của loài khỉ mũi hếch Vân Nam. Với chiếc mũi hếch, loài khỉ Vân Nam được người ta trêu đùa là “nạn nhân” của việc phẫu thuật thẩm mỹ hỏng. Chúng cũng có bộ lông dày chống rét, nhờ đó mà sống được ở độ cao cao hơn bất kỳ loài linh trưởng nào khác. Hươu xạ, loài vật nổi tiếng với khả năng tiết ra mùi hương, giống hầu hết mùi hương các loại nước hoa ngày nay cũng sinh sống ở khu vực này.
Trong khi đó, các cánh rừng rụng lá vào mùa đông trên những triền núi cao là nơi sinh sống lý tưởng của một trong những loài sinh vật đáng yêu nhất trong thế giới tự nhiên - loài gấu trúc đỏ. Vốn là một loài động vật cực kỳ nhút nhát, gấu trúc đỏ tránh thú săn mồi bằng cách sống ở những cánh rừng ở độ cao từ 2.000- 4.000m. Bàn chân được phủ lông giúp chúng giữ ấm và không bị trượt trên tuyết. Không giống những sinh vật núi khác vốn tránh mùa đông khắc nghiệt bằng cách di chuyển xuống núi, gấu trúc đỏ không đi đâu cả. Vì dựa vào tre làm nguồn thức ăn, nên chúng chỉ có thể sống được ở những nơi tre mọc.
Một con gấu trúc đỏ có thể dành đến 13 tiếng mỗi ngày để tìm kiếm và nhai tre. Tre mặc dù chủ yếu cấu tạo từ chất xơ vốn rất khó tiêu hóa, song đây là thức ăn khoái khẩu của loài này bởi ruột của chúng không thể tiêu hóa được cây cỏ.
Những triền núi đá khô cằn
3. Nơi chỉ có đá
Vượt qua những cánh rừng già và trèo cao thêm nữa, người ta chỉ còn nhìn thấy những vùng có cấu trúc đá, gồm núi đá, hang đá và thi thoảng bắt gặp những hồ đóng băng (chủ yếu ở vùng Kashmir).
Trên bề mặt các hồ đóng băng vẫn có các loài cá như cá trắm núi và cá hồi nâu. Chúng thích nghi với môi trường nước chảy xiết, thông qua cấu tạo cơ thể hình trụ, trong khi một số loài cá khác thì ẩn nấp trong đá sỏi để tránh dòng chảy mạnh. Để tránh nhiệt độ gần như xuống đến 0 trong mùa đông, loài cá trắm núi di cư xuống vùng núi thấp hơn.
Trèo lên cao nữa chỉ còn những hang đá gió thổi lồng lộng hoặc các chỏm núi tuyết trắng. Trong môi trường khô khan và lạnh giá, ở độ cao từ 3.300m đến gần 6.000m so với mặt nước biển vẫn có loài báo tuyết sinh sống. Những loài này có bộ lông dày để giữ ấm trong thời tiết lạnh giá và bộ móng to để giúp chúng bám trên địa hình núi đá. Chúng giấu mình sau những mỏm đá, vách núi hay khe núi cao để rình mồi. Con mồi của chúng thường là loài dê núi với chiếc sừng xoắn ốc mọc dài hơn 1.5m.
Gấu trúc đỏ sống ở độ cao 2.000- 4.000m
4. Vùng tuyết phủ trắng
Ở độ cao trên 4.800m, vùng lãnh nguyên đá không còn nữa mà thay vào đó là núi tuyết phủ trắng xoá. Không có nhiều sinh vật có thể sống nổi ở độ cao này ngoại trừ một loài động vật đặc biệt- loài bò Yak.
Loài bò Yak thích nghi với độ cao đến nỗi chúng có thể leo đến độ cao 6.100m và không thể sống được ở độ cao dưới 3.300m cũng như nhiệt độ cao hơn 15°C. Với cơ thể to lớn và có hai lớp lông dày, bò Yak có khả năng giữ nhiệt tốt để chống chịu giá rét. Bên cạnh đó, tim và phổi có kích thước lớn cũng giúp chúng có được lượng ôxy cần thiết.
Tuy nhiên, ngoài loài vật to lớn này, một số loài sinh vật nhỏ bé cũng tồn tại nơi đây. Năm 2008, một loài ong đã được tìm thấy trên núi Everest. Đây là loài ong sống ở độ cao cao nhất thế giới, từ 6.000m trở lên. Trong khi đó, loài nhện nhảy Himalaya có thể sống ở độ cao trên 7.000m ở Everest.