Thường xuất hiện với trang phục của Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong các video quảng cáo sản phẩm, tuy nhiên, người được giới thiệu là "tác giả" của "công trình nghiên cứu đỉnh cao" Nutrizabet lại không phải là bác sĩ của bệnh viện này.
Chuyên gia giả mạo bác sĩ bệnh viện Tuệ Tĩnh
Như đã đưa tin ở bài viết trước, thực phẩm chức năng NutriZabet đang được các tổ chức kinh doanh "thổi phồng" công dụng, quảng cáo như thuốc điều trị và khẳng định có thể trị tận gốc bệnh tiểu đường; chỉ cần sử dụng từ 3-6 tháng sẽ ổn định đường huyết về 6.0.
Những người này còn hạ thấp tác dụng của thuốc Tây, thuốc Nam, tung hô loại sữa hạt NutriZabet là tốt nhất thị trường, đồng thời “đắp” lên vô số những “mĩ danh vô thực” cho sản phẩm như: công trình nghiên cứu đỉnh cao, sản phẩm của Viện Nghiên cứu bảo vệ sức khoẻ quốc tế,…
Cuối tháng 3/2023, trên trang chủ Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế có phát đi cảnh báo về thực phẩm chức năng NutriZabet vì những quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Không những vậy, một số đối tượng trong tổ chức kinh doanh còn giới thiệu NutriZabet có giấy chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), là sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ.
Tuy nhiên, tra cứu theo địa chỉ FDA.gov, không có bất cứ thông tin nào thể hiện sản phẩm NutriZabet hay nhà máy Bigfa được Cục này cấp phép.
Cũng theo giới thiệu, NutriZabet là "công trình nghiên cứu đỉnh cao" của bà An Thị Dung, người xuất hiện trong nhiều video quảng cáo, được giới thiệu là Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo vệ sức khỏe quốc tế. Đáng chú ý, trong những clip này, bà An Thị Dung thường mặc áo blouse có in logo của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, giới thiệu là tác giả công trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm NutriZabet.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, không tồn tại Viện Nghiên cứu bảo vệ sức khỏe quốc tế. Theo mã số thuế được công bố (0110048886), chỉ có Viện nghiên cứu Thực phẩm bảo vệ sức khỏe do bà An Thị Dung đứng tên. Cơ sở tư nhân này được thành lập vào tháng 6/2022, sau khi sản phẩm NutriZabet ra đời.
Không những vậy, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh khẳng định, bệnh viện không có bác sĩ nào tên là An Thị Dung.
Cũng theo vị này, việc bà Dung mặc áo blouse có in tên Bệnh viện Tuệ Tĩnh là hành vi giả mạo, hòng đánh bóng hình ảnh phục vụ các mục đích cá nhân và cần phải lên án.
Chân dung người thực sự đứng sau "công trình nghiên cứu đỉnh cao"
Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm NutriZabet được đăng ký công bố ngày 12/5/2021, do Nhà máy Bigfa (đặt tại Hòa Bình) sản xuất. Người chịu trách nhiệm là ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TCG Việt Nam (nay đổi thành Taphaco).
Vốn xuất thân là một nhân viên bán hàng, năm 2021, sau khi được lựa chọn để đứng tên pháp lý cho sản phẩm NutriZabet, ông Tâm được xây dựng hình ảnh thành doanh nhân thành đạt, có hiểu biết chuyên sâu về bệnh tiểu đường.
Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2021 đến tháng 6/2022, Taphaco cho ra đời tổng cộng 8 sản phẩm hỗ trợ đủ các loại bệnh từ tiểu đường, xương khớp, mọc tóc, tăng giảm cân,…
Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm nói trên đều được sản xuất nhà máy Bigfa, một đơn vị thuộc hệ thống Big Holding (tầng B1, tòa R4, Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) do ông Lê Văn Trung làm Chủ tịch HĐQT.
Big Holding được giới thiệu là hệ thống chuyên sản xuất, phân phối dược mỹ phẩm.
Mô hình kinh doanh của đơn vị này được phân thành nhiều cấp bậc. Tại trụ sở Big Holding là các "cộng đồng" như: UNC (do chính ông Nguyễn Văn Tâm đứng tên, phụ trách), ERK, AVG, UNI, H2T, TH…
Bên dưới Cộng đồng là Hệ thống, Hộ kinh doanh rồi đến các Nhóm. Các Cộng đồng có thể bán cùng lúc nhiều sản phẩm như: tiểu đường, mọc tóc, mỹ phẩm, xương khớp hay mất ngủ… do Big Holding sản xuất.
Những nhân viên trong hệ thống này thường có một "mô-tip" chung là "học thuộc lòng" tài liệu, làm theo các mẹo đã được hướng dẫn, chê bai Tây y, Nam y, thổi phồng công dụng sản phẩm (như đã nói ở trên) cũng như dùng loạt mỹ danh sai sự thật,... nhằm mục đích bán được hàng.
Với cách thức như trên, doanh số của các đội nhóm bán hàng tại Big Holding vô cùng ấn tượng khi lên đến hàng chục tỷ đồng.
Chưa có bất cứ cơ sở pháp lý nào thể hiện NutriZabet đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ hay điều trị dứt điểm bệnh (dù là thực phẩm chức năng),... nhưng với cách thức quảng cáo cũng như những "mập mờ" về thông tin sản phẩm, chuyên gia nghiên cứu,..khiến không ít người đặt dấu hỏi về chất lượng cũng như công dụng của các sản phẩm này.