Sự thực về ngày 19/8/1991 ở Liên Xô (cũ)

Nguyễn Văn Toàn 12/10/2017 08:05

Đúng 26 năm trước, truyền thông phương Tây đưa tin vào ngày 19/8/1991 ở Liên Xô đã xảy ra “chính biến”. Nhưng sự thực điều gì đã diễn ra? Âm mưu được che dấu!


Yeltsin, Tổng thống Nga lấn át Gorbachev, Tổng thống Liên Xô, dẫn đến nguy cơ Liên Xô tan rã.

Việc B.N.Yeltsin lên làm Tổng thống Nga vào ngày 10/7/1991 tạo ra nguy cơ lớn nhất đối với Liên Xô bởi Yeltsin đã công khai tuyên bố nước Nga độc lập với Liên bang. Điều này hoàn toàn phản ảnh ý chí cá nhân của Yeltsin, muốn lật đổ Gorbachev, Tổng thống Liên Xô khi đó. Tuy nhiên, việc nước Nga tuyên bố độc lập là sự uy hiếp lớn nhất đối với sự tồn vong của Liên Bang Xô viết.

Yeltsin đã cùng Gorbachev bí mật biên soạn dự thảo Hiệp ước Liên Bang mới không cho Xô viết Tối cao Liên Xô hay Đại hội các đại biểu nhân dân hay biết. Theo dự thảo được hoàn thành vào cuối tháng 7/1991, mức thuế và số lượng thuế nộp cho ngân sách Liên Bang chỉ do chính quyền các địa phương quy định. Trong tất cả các cơ cấu sức mạnh thì sẽ chỉ có KGB mang quy mô Liên Bang, còn các lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ cũng như một số chức năng thuộc về lĩnh vực đối ngoại khác, sẽ nằm trong tay chính quyền các nước cộng hòa... Điều này có nghĩa là chính quyền liên bang sẽ không còn công cụ hữu hiệu nào để tiến hành quản lý quốc gia. Theo thỏa thuận giữa Gorbachev với Yeltsin, Hiệp ước Liên bang phải được ký vào ngày 20/8/1991.

Ngày 23/7/1991, trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ Bush (cha), để đề nghị nước Mỹ “cứu trợ” công cuộc cải tổ, Gorbachev đã hỏi rằng “Ông Bush muốn gì ở tôi?” và ngay lập tức Tổng thống Mỹ đã phát biểu trên truyền hình rằng: “Chúng ta không bao giờ hành động một cách vô điều kiện. Việc viện trợ tuỳ thuộc vào các nước cộng sản có hành động nhất quán để thực hiện cải cách hay không?” Liền sau đó, Tổng thống Mỹ Bush vội vã đến Mátxcơva. Phần lớn các cuộc gặp gỡ giữa Bush với Gorbachev diễn ra giữa hai người. Kết quả cuộc gặp gỡ đó được giữ bí mật với với KGB, Xô viết Tối cao và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Và sau khi Bush về thì Gorbachev vội vã chuẩn bị đi nghỉ phép vào ngày 4/8/1991.

Trước khi đi nghỉ phép, vào ngày 3/8/1991, trong phiên họp Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô bàn luận về tình hình tồi tệ đang diễn ra, Gorbachev đã nói rằng: “Vì thế phải cần đến các biện pháp khẩn cấp – có nghĩa là khẩn cấp… Và tiếp theo trong văn bản: được các đồng chí đồng ý, ngày mai tôi sẽ đi nghỉ để không cản trở các đồng chí làm việc”. Điều này thực sự bất ngờ vì trước đó tại Hội nghị Bộ Chính trị, Gorbachev đã chính thức nhận lời đi dự Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Bang Nga bắt đầu từ ngày 6/8/1991. Ở Mátxcơva, trên báo chí tư nhân và các phe phái “dân chủ” đưa tin rùm beng là dường như “Ban lãnh đạo tối cao của Đảng đang tiến hành đảo chính”. Trong tình thế như thế, ngày 4-8, Gorbachev vẫn bay đi nghỉ ở Phoros (Cryme), bơi biển và tắm nắng. Tiếp theo, toàn bộ nhóm người thân cận với Gorbachev như Yakovlev và Shevarnadze đều bay đi nghỉ ở phương Nam.

Thực tế là trước nguy cơ Liên Bang Xô viết sẽ mặc nhiên không còn tồn tại nữa nếu Hiệp định Liên bang mới được ký kết đúng vào ngày 20/8/1991. Kryuhkov, Chủ tịch KGB, đã nhận về mình chức năng tập hợp lực lượng để tìm cách giải nguy. Ngày 18/8/1991, Kryuhkov đã gọi điện cho một số người thân cận, mời tới một căn cứ quân sự bí mật tại Mátxcơva bàn đại sự. Cuộc họp kín quyết định cử một phái đoàn tới nơi nghỉ mát của Tổng thống Liên bang ở Phoros (Cryme) để gặp Gorbachev. Phái đoàn gồm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Oleg Shenin; Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng Liên Bang Oleg Baklanov, Trưởng ban Tổng hợp Trung ương Valeri Boldin, Cục trưởng Cục 9 Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Plekhanov và tướng Varenikov, Tư lệnh Lục quân.

Valeri Boldin đã kể lại sự việc diễn ra sau đó: “Chúng tôi trình bày các phương án theo chỉ lệnh của ông trong trường hợp có tình hình khẩn cấp… Không thấy có phản ứng gì với những đề xuất trên, Tổng thống còn mải nghĩ về điều gì đó khác nữa và đột nghiên hỏi chúng tôi xem đã áp dụng những biện pháp khẩn cấp đối với ban lãnh đạo Nga hay chưa. Khi được trả lời khẳng định thì ông mới hoàn toàn bình tĩnh trở lại”. “Tốt nhất, nên thực hiện tất cả những gì các anh đề xuất bằng con đường dân chủ tối đa. Tôi bàn với các anh ngay bây giờ thực hiện những điều nêu trên” - Gorbachev đã bình tĩnh lại và nói như vậy.


Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP) được lập vào ngày 19/8/1991, tồn tại đến ngày 20/8/1991.

Như vậy, rõ ràng Gorbachev đã mong muốn mượn tay của các Đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Liên Xô để loại trừ Yeltsin. Việc Gorbachev không tham gia lãnh đạo đảo chính được ông ta biện minh là nhằm để “giữ uy tín” cho Tổng thống Liên Xô. Rõ ràng Gorbachev đã thực hiện kế sách “trai cò đấu nhau, ngư ông đắc lợi”, bằng phương pháp “ném đá giấu tay” trong các sự kiện tháng Tám.

Ngày 19/8/1991, tại Mátxcơva đã công bố sắc lệnh bất thường của Phó Tổng thống Liên Xô Guennadi Yanayev về việc Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev do tình trạng “sức khoẻ suy yếu nên không thể đảm đương được chức trách của mình” và bắt đầu từ ngày 19/8/1991, Yanayev sẽ chính thức giữ chức Quyền Tổng thống Liên Xô trên cơ sở điều 127 mục 7 Hiến pháp Liên Xô. Ban lãnh đạo mới của Liên Xô tuyên bố lệnh áp dụng tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực trong thời hạn 6 tháng. Một Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP) đã được thành và cho ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào và nhận trách nhiệm về số phận Tổ quốc: “Tổ quốc vĩ đại của chúng ta đang đứng trước trước hiểm hoạ diệt vong. Đất nước trở nên không kiểm soát nổi. Đã xuất hiện những lực lượng cực đoan muốn xoá bỏ Liên Bang Xô viết, phá huỷ Nhà nước, giành chính quyền bằng mọi giá. Cuộc khủng hoảng chính quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, hậu quả là đời sống của đại đa số nhân dân Liên Xô giảm sút nhanh chóng, tệ đầu cơ, buôn lậu, làm ăn phi pháp phát triển tràn lan. Đó là kết quả hoạt động có mục đích của những kẻ vi phạm thô bạo Luật pháp cơ bản của Liên Bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết, thực tế đang thực hiện một cuộc đảo chính chống Hiến pháp, tiến tới độc tài cá nhân. Các quận trưởng, thị trưởng và các cơ quan bất hợp pháp khác công nhiên thay thế các Xô viết. Tội ác có tổ chức đang gia tăng nhanh chóng và đang được chính trị hoá. Uỷ ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp tuyên bố cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để nhanh chóng đưa đất nước và xã hội ra khỏi cơn khủng hoảng, khôi phục kinh tế, lập lại trật tự luật pháp, chấm dứt sự đổ máu, tăng cường đấu tranh chống tội phạm, chống phá hoại sản xuất, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Các văn kiện của Uỷ ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp nói rõ các biện pháp được áp dụng chỉ là tạm thời, không có nghĩa là từ bỏ đường lối cải cách đổi mới”.

Việc Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP) tuyên bố “không có nghĩa là từ bỏ đường lối cải cách đổi mới” có nghĩa là vẫn ủng hộ Gorbachev trong vấn đề cải tổ. Tiếc là họ đã nhầm đối với vị “thủ lĩnh giấu mặt” của mình!

Boris Yeltsin lập tức có phản ứng chống lại GKChP. Bằng những thủ đoạn chính trị khác nhau, Yeltsin tìm cách phân hoá đội ngũ GKChP. Tình hình trở nên đặc biệt bất lợi cho GKChP khi tới Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô Lukyanov, một thành viên của GKChP ngỏ ý đồng tình với đòi hỏi của ban lãnh đạo Nga về việc rút các đơn vị quân đội ra khỏi Mátxcơva.

20h10 ngày 20/8/1991, theo thông báo của Tổng thống nước cộng hòa Kazakhstan N.Nazarbayev, trong cuộc nói chuyện điện thoại, Gorbachev cho biết tình hình sức khỏe của ông ta bình thường. Gorbachev đánh giá các sự kiện vừa diễn ra là “cuộc đảo chính của cánh hữu”. Đây là sự tráo trở đầu tiên của Gorbachev. Ông ta khi nhận thấy những người Cộng sản đã thất bại thì cũng đã “tương kế tựu kế”, phủ nhận vai trò của mình và đẩy các đảng viên trụ cột của Đảng vào vòng lao lý.

21h42 ngày 20/8/1991, Gorbachev tuyên bố rằng ông đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Chính biến tháng 8/1991 kết thúc. Không lâu sau đó, tất cả các thành viên GKChP bị giam tại Mátxcơva.

Gorbachev có bị cách ly ở Phoros? Ngày 22/8/1991, Gorbachev đã nói: “Sẽ không ai biết sự thật của về các sự kiện tháng 8”. Theo sự nhìn nhận của V.I.Boldin thì Gorbachev đã nói dối. Bởi theo hồi tưởng của V.I.Boldin thì: “Đêm đêm người ta chuẩn bị những thông điệp để chuyển từ nơi giam cầm Gorbachev cho cộng đồng thế giới. Một “chim câu mang thư” là nữ chuyên viên của Gorbachev để đảm bảo tin cậy, có lẽ, theo lời khuyên của Raisa Maksimovna đầy kinh nghiệm, đã liên tục chuyển những tài liệu đã soạn thảo từ hộp thư mật này sang hộp thư mật khác an toàn hơn, nhằm đánh lạc hướng những nhân viên an ninh - những kẻ biết rõ bí mật ghê gớm trong thông điệp. Rồi cả phương án dự bị chuyển thông điệp bí mật này bằng người nhái, có khả năng bơi thẳng đến Altai hoặc Odetsa giao cho những người tin cậy. Chỉ nhờ những biện pháp bí mật này mà nhân dân thế giới và Tổng thống Mỹ biết rằng Gorbachev vô can trong mưu đồ “đảo chính”. Nhưng sau đó, hoá ra người ta không tin vào những điều đó lắm!”

“Nỗ lực” của Gorbachev

Sau khi từ chức Tổng Bí thư sau cuộc đảo chính tháng Tám 1991, Gorbachev đã tìm mọi cách để cứu lấy Liên bang nhưng “sẽ là một quốc gia dân chủ với “tên gọi khác”, cũng có nghĩa là cứu giữ quyền lực của mình.

Vào ngày 18/10/1991 Gorbachev và các đại diện của 8 nước cộng hoà (không bao gồm Azerbaijan, Gruzia, Mondoval, Ukraina, và các nước cộng hòa vùng Baltic) ký một thoả thuận về việc thành lập một cộng đồng kinh tế mới. Tuy nhiên, trên thực tế Liên Xô đã dần đi vào sự tan rã, không cứu vãn được. Bởi sau ngày 20/8/1991, Chính phủ Nga đã dần thay thế chính phủ Liên Bang và ngày 6/9/1991, chính phủ Liên Xô buộc phải công nhận nền độc lập của ba nước cộng hòa Baltic.

Tháng 11/1991, Yeltsin ra một nghị định cấm Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Bang Nga hoạt động trên toàn bộ nước Nga. Vì thế, nhiều đảng viên cộng sản đã “đốt thẻ đảng” để đổi lấy các vị trí trong các cơ cấu của chính phủ mới. Các nước cộng hoà cũng tăng tốc quá trình độc lập, từng nước một tuyên bố chủ quyền. Các chính quyền địa phương của họ bắt đầu nắm lấy tài sản Liên Bang trên lãnh thổ của mình. Sau đó ngày 6/12/1991, Ukraina tuyên bố độc lập khỏi Liên Bang Xô viết sau một cuộc trưng cầu dân ý với hơn 90% người dân ủng hộ độc lập.

Sau sự kiện “Liên minh tay ba Belovezh” (8/12/1991), khi lãnh đạo ba nước Nga, Belarus, Ukraina đơn phương ký hiệp định khai tử Liên Xô, Gorbachev đã cho rằng cần phải triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân và tiến hành trưng cầu dân ý toàn quốc. Êkíp của Gorbachev nhất trí nói rằng không được đầu hàng và phải duy trì cơ cấu của Liên Bang Xô viết đến cùng. Nhưng các biện pháp cứu vãn Liên bang đã không còn ở trong tay Gorbachev nữa. Thậm chí khi Gorbachev đã “gợi ý” cho Shaposnicov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô từ cuối tháng 8/1991 về kế hoạch đảo chính lần hai chống lại Yeltsin thì Shaposnicov cũng đã từ chối. Mặc dù lúc đó, Gorbachev, Tổng thống Liên Xô vẫn là Tổng tư lệnh tối cao các Lực lượng vũ trang Liên Xô. Điều này chứng tỏ Shaposnicov đã tỏ ra “khôn ngoan” khi đã không mắc bẫy Gorbachev để phải vào tù như các thành viên Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKChP).

Ngày 21/12/1991, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, 11 nước cộng hoà ký kết hiệp định về giải tán Liên bang Xô viết và chính thức thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS). Trong buổi tối giá lạnh 25/12/1991, sau khi tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô của mình với nội dung được quan tâm nhất là: “Chế độ cũ đã sụp đổ trong khi chế độ mới bắt đầu thực hiện chức năng của mình”. Lá cờ đỏ búa liềm trên nóc tròn điện Kremli bị hạ xuống kéo theo đó là sự sụp đổ Liên Bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Xô viết sau 74 năm tồn tại.


Một người lính bật khóc trên chiến xe tăng vì cuộc đảo chính chống lại phe “dân chủ” do Yeltsin lãnh đạo diễn ra vào tháng Tám năm 1991 thất bại. Phe “dân chủ” của Yeltsin đã chiếm được quyền lực thực tế. Đây là nổ lực cuối cùng cứu Liên Xô nhưng bất thành.

Sau khi Liên Xô tan rã…

Ngày 24/12/1991, bằng sắc lệnh của mình, Gorbachev đã phân chia trọn một quỹ tài sản của Đảng Cộng sản Liên Xô cho quỹ mới thành lập, trị giá khoảng 32 triệu rúp, cả 4 triệu trong dự toán và 320 triệu vốn ngoại hối, chỉ cho thuê số vốn này cũng đã nhận được 190 triệu rúp và 270 ngàn USD Mỹ. Đó chính là Quỹ Gorbachev.

Năm 1992, Gorbachev đã có thái độ chống đối Toà án Hiếp pháp Liên bang Nga khi Toà đang diễn ra vụ án “Đảng Cộng sản Liên Xô” (26/5 đến hết ngày 30/11/1992). Vụ án “Đảng Cộng sản Liên Xô” là vụ án của một nhóm đại biểu quốc hội Cộng Hoà Liên Bang Nga chống lại Tổng thống B.N.Yeltsin về việc lạm quyền trong việc giải tán bất hợp hiến Đảng Cộng Sản Liên Xô và Đảng Cộng Sản Liên Bang Nga, buộc tội Yeltsin chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của hai đảng. Đồng thời cũng là vụ án xét xử một vấn đề nữa liên quan đến một nhóm dân biểu khác của Cộng Hoà Liên Bang Nga chống lại Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Bang Nga về “tội” hoạt động bất hợp hiến. Trong ngày xử đầu tiên (26/5), Toà án Hiến pháp Cộng Hoà Liên Bang Nga đã công nhận Gorbachev và các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Bang Nga là đại diện chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Bang Nga tại Toà. Nhưng đến ngày 7/7, Toà thông báo Gorbachev từ chối làm người đại diện cho Đảng Cộng sản Liên Xô tại Toà. Theo diễn tiến của vụ án, Toà quyết định gọi Gorbachev đến Toà với tư cách nhân chứng. Theo đó, Gorbachev phải có mặt tại Toà vào ngày 30/9 nhưng ngày 28/9 ông ta đã đưa lên phương tiện thông tin đại chúng bức thư gửi Toà án Hiến pháp. Trong bức thư Gorbachev buộc tội Toà đã bị lôi kéo vào hoạt động không đúng với bản chất của toà, đã trở thành con tin của sự đối đầu chính trị và tổn hại đến uy tín của toà, đồng thời làm tăng sự gay gắt các mâu thuẫn xã hội – chính trị trong nước. Gorbachev đã buộc tội những người cộng sản Nga có ý định làm mất ổn định tình hình, minh oan cho các lãnh đạo đảng đã ủng hộ cuộc bạo loạn tháng 8/1991. Cuối cùng Gorbachev tuyên bố: “Tôi không cho rằng mình có thể tham gia vào một vụ án chính trị chỉ có thể mang lại các hậu quả tiêu cực”. Gorbachev đã viện dẫn điều 67 – 11 của Hiến pháp: cho phép công dân không thực hiện các nghĩa vụ mà Hiến pháp và các luật không quy định. Toà đã gọi Gorbachev thêm một lần nữa, vào ngày 5-10 nhưng Gorbachev đã bỏ qua. Toà chỉ biết phạt Gorbachev 100 rúp, hình phạt duy nhất đối với một nhân chứng từ chối có mặt ở Toà mà không có lý do chính đáng (được quy định tại điều 56 Luật về Toà án Hiến pháp). Trong khi đó, truyền hình chiếu cảnh Gorbachev với dáng vẻ hoan hỉ nhận lấy 100 rúp tiền “cứu trợ nghèo đói” từ một nữ du khách nước ngoài. Nhân cuộc gặp với những thành viên Toà án Hiến Pháp tại sứ quán Đức, Gorbachev đã nói “Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh đó, các sắc lệnh về đình chỉ hoạt động của các tổ chức đảng và về tài sản của đảng đã được biện minh”.
Ngày 22/6/1993, Liên Đoàn các Đảng Cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô (SKP – KPSS), tổ chức thừa kế của Đảng Cộng sản Liên Xô đã khai trừ Đảng tịch của Gorbachev. Đến năm 1995, Cương lĩnh Đại hội XXX của Liên Đoàn các Đảng Cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô (SKP – KPSS), đã tuyên bố sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô là do “Cuộc công kích công khai của các thế lực phản động bắt đầu từ cuối những năm 80 dưới sự tác động trực tiếp của nhóm phản bội chính trị Gorbachev – Yakovlev – Shevandnadze đã kết thúc bằng cuộc đảo chính phản cách mạng năm 1991 – 1993”.

Năm 1996, Gorbachev chạy đua chức Tổng thống Nga nhưng chỉ nhận được khoảng 1% phiếu bầu. Trong khi đi vận động tranh cử, ông đã bị một người dân Nga đấm vào mặt.

Vào năm 1999, tại Hội thảo của các trường Đại học Mỹ tổ chức tại Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ), Gorbachev đã chỉ trích nặng nề Yeltsin: “Tôi muốn giữ Liên Xô trong đường biên giới như thế, nhưng là một quốc gia dân chủ với tên gọi khác. Tôi đã không thành công… Khi Yeltsin làm tan rã Liên Xô, tôi rời điện Kremli, hàng trăm nhà báo tưởng rằng tôi sẽ khóc”.

Ngày 4-6-2008, Gorbachev đã tham gia một cuộc họp báo với những tuyên bố khiến nhiều người sửng sốt. Tại cuộc họp báo này, Gorbachev nói rằng cần phải đưa thi hài Lênin ra khỏi Lăng, đề nghị cải cách hệ thống bầu cử của Nga vì nó vẫn mang trong mình các tàn dư thời Đảng Cộng sản Liên Xô. Cháu gái của Lênin, bà Olga Ulianova đặc biệt phản đối việc mang thi hài của Lênin ra khỏi Lăng. Bà nói: “Nước Nga sẽ không bao giờ đưa thi hài Lênin ra khỏi Công trình đó. Nếu có một nhà lãnh đạo nào đó không thích Lăng thì đừng nên vào viếng. Và thế là đủ”. Phó Chủ tịch thứ nhất Trung ương Đảng Cộng Sản Nga, đại biểu Đuma quốc gia Nga Ivan Melnikov tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Nga sẽ không cho phép ai đưa thi hài Lênin ra khỏi Lăng. “Không có gì ngạc nhiên khi nghe Gorbachev tuyên bố về điều đó, vì ông ấy là một chuyên gia về “đưa ra khỏi”: Liên Xô vĩ đại đã bị ông ta “đưa ra khỏi” bản đồ thế giới, và bây giờ mới sực nhớ ra là vẫn chưa chạm đến được Lênin vĩ đại” - ông Melnikov trả lời hãng tin Interfax.

Năm 2012, vào lúc 82 tuổi, Gorbachev đã bị cơ quan điều tra “hỏi thăm” vì đã gỡ bỏ lớp giấy từ tính quanh cổ một chai rượu vang giá 5.000 euro nhập khẩu từ Pháp trong siêu thị, bỏ nó vào giỏ hàng đang cầm trên tay và đi thẳng ra khỏi siêu thị mà không tính tiền. Vụ việc này xảy ra tại thành phố Bielefeld, miền trung nước Đức, nơi Gorbachev vừa chuyển tới sinh sống không lâu.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VCIOM) tiến hành trước kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Gorbachev, 42% số người được hỏi cho rằng ông Gorbachev đóng vai trò then chốt trong việc làm Liên Xô sụp đổ. Cuộc thăm dò ý kiến này được VCIOM tiến hành trong 2 ngày 19 – 20/2/2011 với 1600 người được hỏi từ 138 điểm dân cư tại 46 chủ thể hành chính của Liên bang Nga (vùng, tỉnh, nước cộng hòa).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự thực về ngày 19/8/1991 ở Liên Xô (cũ)