Hai cuốn sổ viết tay của nhà khoa học lỗi lạc Charles Darwin được xem là những báu vật không chỉ của riêng nước Anh mà còn của cả nhân loại.
Sự trở về sau hơn 20 năm mất tích
Hai cuốn sổ tay vô giá của Darwin từng được cất giữ tại thư viện Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, trước khi mất tích một cách bí ẩn.
Thông báo chính thức về sự mất tích của hai cuốn sổ tay được đưa ra hồi tháng 1/2001. Tuy nhiên, thư viện Đại học Cambridge tin rằng, chúng chỉ bị thất lạc đâu đó trong bộ sưu tập khổng lồ hơn 10 triệu cuốn sách và hiện vật của họ. Thế nhưng, sau một cuộc tìm kiếm toàn diện, họ kết luận rằng chúng có thể đã bị đánh cắp.
Trường Cambridge sau đó đã đưa ra lời kêu gọi công chúng tìm lại cuốn sổ tay mất tích vào năm 2020, với sự tham gia của các chuyên gia sách cổ, cảnh sát địa phương và cả Interpol, cơ quan kiểm soát quốc tế.
Và trước sự ngạc nhiên của thủ thư Cambridge, vào ngày 9/3/2022, những cuốn sổ tay đã được trả lại, bọc trong nhựa, để trong một túi quà nhỏ màu hồng tươi và không có bất cứ một dấu hiệu hư hỏng nào quá rõ ràng.
Hai cuốn sổ được đặt gọn gàng phía bên ngoài văn phòng thủ thư trên tầng 4, nằm trong tòa nhà thư viện cao 17 tầng.
Không có một chút manh mối nào về việc ai đã trả lại sách, tất cả chỉ là một thông điệp bên trong phong bì màu nâu có nội dung: "Thủ thư, Chúc mừng lễ Phục sinh X".
“Cảm giác nhẹ nhõm của tôi khi cuốn sổ được trả lại an toàn là không thể diễn tả được”, Thủ thư Đại học Cambridge Jessica Gardner kể lại.
“Chúng có thể rất nhỏ, chỉ bằng kích thước của những tấm bưu thiếp, nhưng tác động của cuốn sổ ghi chép đối với lịch sử khoa học nhân loại không hề phô trương”.
Nền tảng sinh học tiến hóa hiện đại
Bản phác thảo "cây sự sống" nổi tiếng đã xuất hiện từ mùa hè năm 1837, sau khi Darwin vừa trở về Anh sau chuyến du hành trên con tàu H.M.S. Beagle và có những ý tưởng sơ khai để hình thành nên nền tảng của sinh học tiến hóa hiện đại, hơn 20 năm trước khi xuất bản cuốn "Nguồn gốc các loài".
Những cuốn sổ ghi chép này được biết đến trong sinh học tiến hóa là "cuốn sổ ghi chép sự biến đổi" vì chúng được coi là điểm đầu tiên mà Darwin đưa ra lý thuyết về cách các loài có thể "biến đổi" hoặc thích nghi và thay đổi qua nhiều thế hệ, mô tả lý thuyết các loài khác nhau có thể có chung một tổ tiên, giống như các nhánh cây cùng xuất phát từ một thân cây.
Ông Stephen J. Toope, Phó Hiệu trưởng Đại học Cambridge khẳng định: “Những hiện vật như thế này rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta, không chỉ về lịch sử khoa học mà còn về lịch sử loài người”.
Hai cuốn sổ trước khi mất tích được lưu trữ trong căn phòng dành cho các bộ sưu tập đặc biệt của thư viện, nơi bảo quản những hiện vật quý hiếm nhất. Thời điểm tháng 9/2000, hai cuốn sổ đã được mang ra ngoài để chụp hình, và đến tháng 1/2001, khi thư viện thực hiện kiểm tra định kỳ thì phát hiện chiếc hộp đựng chúng đã mất tích.
Quyết tâm không để kẻ trộm tấn công lần nữa, trường đại học Cambridge đã xây dựng các phòng lưu trữ mới có độ an toàn cao hơn, đồng thời lắp đặt một loạt các biện pháp an ninh kể từ năm 2001.
“Chúng bao gồm camera quan sát, quyền truy cập bằng thẻ và mã pin vào các khu vực an toàn, một nhóm bảo mật chuyên dụng tại chỗ để đảm bảo giảm thiểu mọi rủi ro trong tương lai nhiều nhất có thể”, thủ thư Gardner nhấn mạnh.
Cuốn sổ tay hiện sẽ được đưa trở lại Kho lưu trữ Darwin trong thư viện và sẽ trở thành trung tâm trong một cuộc triển lãm công cộng mới vào tháng 7/2022, nơi cũng sẽ trưng bày hơn 15.000 bức thư do chính tay Darwin viết.