Ban lãnh đạo Tập đoàn Samsung đang hồi hộp chờ đợi sự trở lại của Phó Chủ tịch đồng thời là “người thừa kế” Tập đoàn Samsung - ông Lee Jae-yong, sau 18 tháng ngồi tù vì tội danh hối lộ. Nhiều quyết định chiến lược của tập đoàn và sự phục hồi nền kinh tế của Hàn Quốc đang phụ thuộc khá nhiều vào sự trở lại của “Thái tử Samsung”.
Lệnh ân xá
Ngày 10/8, Yonhap đưa tin, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo sẽ ân xá Phó Chủ tịch đồng thời là “người thừa kế” Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong, vào cuối tuần này. Trong một thông báo, Bộ trưởng Tư pháp Park Beom-kye nêu rõ, ông Lee Jae-yong sẽ được ra tù vào ngày 13/8 nhân dịp Ngày Giải phóng 15/8.
Chính phủ Hàn Quốc thường tạm tha có điều kiện hoặc ân xá vào dịp này nhằm đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Quyết định được đưa ra sau một cuộc họp kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ của Ủy ban Ân xá thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc.
“Quyết định ân xá đối với ông Lee Jae-yong là kết quả của việc xem xét một cách toàn diện các yếu tố khác nhau như tình cảm của công chúng và hành vi tốt trong thời gian bị giam giữ”, Bộ Tư pháp cho biết trong tuyên bố hôm 10/8. Ông Lee Jae-yong đã đáp ứng các yêu cầu để đủ điều kiện được ân xá sau khi thực hiện xong 60% thời gian thi hành án.
Bộ trưởng Park Beom-kye cho biết, tình hình kinh tế của đất nước, các điều kiện kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19 được xem là những yếu tố để bộ cân nhắc để đưa ra quyết định trên. Tuy nhiên, theo Đạo luật trừng phạt nặng đối với tội phạm kinh tế của Hàn Quốc, ông Lee Jae-yong sẽ không thể trở lại việc tại Samsung trong vòng 5 năm.
Đạo luật này cấm các đối tượng bị kết án tham ô hoặc thiếu trách nhiệm với số tiền lên tới hơn 500 triệu won (436.300 USD) làm việc tại các công ty liên quan đến hành vi phạm tội của họ trong 5 năm kể từ ngày mãn hạn tù.
Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, họ hoan nghênh quyết định ân xá cho ông Lee Jae-yong khi cho rằng: “Quyết định này phản ánh nhu cầu phục hồi kinh tế của người dân và kêu gọi Samsung đóng vai trò dẫn dắt sự phục hồi”, đồng thời yêu cầu tập đoàn tích cực hơn “đầu tư và tạo việc làm”.
Theo kết quả từ hai cuộc thăm dò trong tháng 7 cho thấy, trong khi vẫn có một số cuộc biểu tình phản đối việc trả tự do sớm cho ông Lee Jae-yong, nhưng sự ủng hộ của công chúng đối với việc trả tự do sớm cho ông vẫn đạt khoảng 70% trong số 1.003 người.
Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng, ông Lee có thể nhận được sự đặc cách sớm trở lại làm việc do số tiền được cho là tham ô đã được hoàn trả.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) cũng hoan nghênh quyết định cho phép ông Lee trở lại làm việc vào thời điểm mà “quyết định nhanh” trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc điều hành doanh nghiệp.
Ông Lee Jae-yong (52 tuổi) bị Tòa án tối cao Seoul tuyên án tội hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để đổi lấy sự ủng hộ của chính phủ trong việc kế vị và đảm bảo quyền kiểm soát Samsung. Mức án phạt đối với nhân vật quyền lực của Samsung này là 2 năm rưỡi tù giam.
Những quyết định chiến lược đang chờ người đứng đầu
Quyết định ân xá đối với ông Lee Jae-yong nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng cả từ giới chính trị gia, công chúng và từ cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh lo ngại “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc không thể đưa ra được các quyết định chiến lược quan trọng.
Mặc dù hoạt động hàng ngày của nhà sản xuất chip và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới không bị ảnh hưởng bởi sự vắng mặt của ông Lee Jae-yong, nhưng các nguồn tin từ tập đoàn cho biết, các quyết định đối với các dự án đầu tư và mua bán sáp nhập doanh nghiệp quan trọng chỉ nên do ông Lee đưa ra.
Đặc biệt, quyết định về vị trí đặt nhà máy trị giá 17 tỷ đô la Mỹ để sản xuất chip logic tiên tiến đang chờ đợi sự trở lại của ông Lee khi tình trạng khan hiếm chip toàn cầu diễn ra và các đối thủ như TSMC và Intel Corp đang đầu tư lớn.
Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn thuộc sở hữu và kiểm soát bởi thành viên gia đình sáng lập và có rất ít ưu tiên trong việc chuyển giao quyền lực cho những người ngoài ngay cả khi một thành viên cấp cao thuộc gia đình vướng vòng lao lý.
Mặt khác, hoạt động hàng ngày của Samsung có vẻ như không bị ảnh hưởng nhiều từ việc ông Lee Jae-yong phải ngồi tù. Lợi nhuận hoạt động trong quý gần nhất của Samsung vẫn tăng 54%. Trong khi lợi nhuận hàng năm là 53,6 nghìn tỷ won (46,6 tỷ USD).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cơ cấu tổ chức của Samsung khiến không ai ngoài ông Lee có thể chấp nhận các quyết định chiến lược thu hút tiền mặt từ 3 mảng đầu tư chính của tập đoàn là: di động, điện tử tiêu dùng và chip điện tử.
Ông Jaeyong Song, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, tác giả của cuốn “The Samsung Way”, một cuốn sách về phong cách quản lý của Samsung cho biết: “Trên thực tế, các quyết định chiến lược rủi ro như mua bán sáp nhập doanh nghiệp, các thương vụ trị giá hàng tỷ đô la được giao cho chủ sở hữu tại Samsung”.
“Các CEO ở Hàn Quốc giống giám đốc điều hành hơn. Họ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn, trong khi chủ sở hữu đảm nhận khả năng cạnh tranh dài hạn vì nhiệm kỳ của họ là trọn đời”.
Còn theo Giám đốc Tài chính Samsung Choi Yoon-ho, ngoài quyết định về nhà máy sản xuất chip theo kế hoạch của Mỹ - đặt tại Austin, Texas, sự trở lại của ông Lee Jae-yong có thể sẽ kích hoạt tiềm năng mua lại cổ phần trong các công ty, các nhà phân tích cho biết.
Ông Lee Jae-yong, 52 tuổi, thường được gọi là “Thái tử Samsung”, là con trai duy nhất của cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hees. Ông Lee Jae-yong hiện xếp thứ 176 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index với tài sản 12,3 tỷ USD.