Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 25/9. Theo ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc công khai ý kiến người dân sẽ là kênh thông tin giúp cho đại biểu Quốc hội thông qua luật sát với thực tiễn cuộc sống.
PV: Thưa ông, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 25/9. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về việc này?
Ông Phạm Văn Hòa: Luật Đất đai liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, sinh hoạt đời sống, quyền lợi của người dân. Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đến hết 25/9, sau đó hoàn thiện để Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV là việc làm trách nhiệm, thể hiện sự quyết tâm của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Việc lấy ý kiến rộng rãi với mục đích tiếp nhận sự phản hồi ý kiến từ người dân, nhất là những vấn đề sửa đổi, bổ sung mới khác với Luật Đất đai năm 2013 để nhân dân nắm và hiểu rõ hơn. Việc để người dân tham gia đóng góp là cần thiết và rất quan trọng. Cá nhân tôi cũng đã xem và thấy dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện.
Là đại biểu Quốc hội, cá nhân ông thấy trong Luật Đất đai 2013 vấn đề bất cập nào được người dân phản ánh nhiều nhất, và cần khắc phục trong luật sửa đổi lần này?
- Đối với Luật Đất đai 2013, người dân phản ánh nhiều nhất là chuyển đổi mục đích sử sụng đất; đền bù giải phóng mặt bằng; tách thửa; quyền sử dụng đến diện tích bao nhiêu? Ví dụ trong nông nghiệp, muốn mở rộng các cánh đồng mẫu lớn nhưng chỉ cho mỗi cá nhân sử dụng có 3ha thì khó có thể triển khai cánh đồng mẫu lớn. Cho nên đó là cái bất cập.
Hay như trong khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng, thì giá đất là vấn đề bất cập nhất. Hay quy định về việc cha mẹ cho con đất trồng cây lâu năm cũng khó có thể tách thửa. Vì đất trồng cây hàng năm phải từ 700m2 trở lên, còn nếu dưới diện tích này thì không được phép tách thửa. Đó là điều bất cập vì ở miền Nam, diện tích đất rộng có thể tách được. Nhưng ở miền Trung rất khó tách thửa. Nếu tách thửa cho 2 người con thì chỉ có 1 người được đứng tên quyền sử dụng đất nên dẫn đến tranh chấp. Đặc biệt, có trường hợp người dân muốn mua để canh tác cánh đồng mẫu lớn phải nhờ người khác đứng tên đất. Khi đất có giá trị thì người được đứng tên chiếm luôn, sau đó lại dẫn đến tình trạng khiếu kiện.
Thực tế cho thấy, trong số vụ khiếu kiện, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm từ 60 -70%. Nhiều ý kiến cho rằng, chính các sự vụ liên quan đến đất đai khiến nảy sinh nhiều bất cập?
- Hiện tại Luật Đất đai 2013 có nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ. Bởi vậy, lần sửa đổi này, dư luận xã hội, người dân rất trông chờ, kỳ vọng. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề đất đai đều được quan tâm nhất. Nhất là dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này bỏ khung giá đất. Người dân rất đồng tình với việc này. Nhưng tôi cho rằng đây là vấn đề cũng cần thảo luận thêm. Vì, bỏ khung giá đất, khi đền bù sẽ áp theo giá thị trường. Nhưng khi nhà nước thu hồi đất, đền bù thì cần xác định rõ giá thị trường như thế nào để có thể đền bù cho người dân một cách hợp lý. Đó là vấn đề cần cân nhắc.
Quy hoạch và sử dụng đất hiện đang cho thấy nhiều bất cập. Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng đất đai được phát hiện qua các vụ án lớn cũng xuất phát từ đây?
- Vừa qua công tác quy hoạch đất đai cũng bộc lộ những cái chủ quan. Trong quy hoạch đất, đền bù giải phóng mặt bằng, người dân cho rằng khi xây dựng khu đô thị, người dân nhận đền bù với giá thấp. Nhưng khi đất giao cho nhà đầu tư, xây dựng trở thành khu đô thị thì giá lại lên cao ngất ngưởng. Người dân cảm thấy bất bình với thực tế đó. Vì thế trong thu hồi đất cần đảm bảo, tạo sự hài hoà lợi ích cho nhà nước, người dân, nhà đầu tư. Cần phải cân bằng, tạo được sự đồng thuận của dân.
Bên cạnh lấy ý kiến của người dân thì việc tiếp thu, giải trình là vấn đề quan trọng. Trong tập hợp ý kiến của nhiều ngành, nhiều phía, nhiều khía cạnh khác nhau có thể thấy ý kiến nào nhiều nhất, ít nhất. Và “nghiêng” về phía ý kiến nào. Bởi có nhiều cái dù là thiểu số nhưng ý kiến rất chắc chắn, và chưa chắc ý kiến đa số đã là chân lý. Cho nên sau khi lấy ý kiến thì dự thảo luật sẽ được hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội. Việc lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân là cần thiết, coi đó là ý kiến tham vấn để ban soạn thảo cũng như đại biểu Quốc hội nắm rõ. Khi thẩm tra, giải trình, Quốc hội sẽ thận trọng, có quyết sách đúng đắn. Mỗi đại biểu Quốc hội sẽ quyết định việc thông qua luật. Vì thế mỗi đại biểu Quốc hội cũng cần khách quan, thận trọng khi bàn và thông qua luật sao cho phù hợp với tình hình thực tế, hợp lòng dân. Cùng với đó, việc công khai ý kiến người dân sẽ là kênh thông tin giúp cho đại biểu Quốc hội thông qua luật sát với thực tiễn cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn ông!