Xung quanh vấn đề đầu tư công, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng: Khi quyết định chủ trương đầu tư phải tính đến hiệu quả, tính bền vững và sắp xếp theo trật tự ưu tiên.
Ông Lê Thanh Vân.
PV:Thưa ông,đã đến lúc chúng ta phải siết chặt đầu tư công? những cái nào hiệu quả mới đầu tư để tránh lãng phí?
Ông Lê Thanh Vân: Biện pháp siết chặt đầu tư công không phải là không có. Quốc hội khóa XIII các ĐBQH đã đề cập đến việc thu hẹp lại phạm vi tức là bề rộng để tập trung vào chiều sâu là những công trình then chốt, cốt yếu có tính kích hoạt lan tỏa. Nhưng trong một thời gian dài chúng ta triển khai đầu tư công còn nhiều vấn đề bất cập. Một mặt là lựa chọn lĩnh vực đầu tư chưa tính đến hiệu quả, rồi thủ tục phê duyệt đầu tư còn giản đơn.
Có một thời gian dài các công trình dự án địa phương đề nghị lên thì ở trên có trách nhiệm cấp vốn. Đó là mâu thuẫn vô lý. Ngân sách đâu mà bao cho hết được? Trong khi đó thu chi ngân sách nhiều năm qua chưa cân đối được, phải vay, mà vay đầu tư vừa chưa trúng đối tượng, không đúng lĩnh vực rồi thất thoát tham nhũng trong vốn đầu tư khiến cho nhiều công trình dang dở, giờ khắc phục chưa xong.
Kể cả ứng dụng khoa học công nghệ để đầu tư lại không lựa chọn đúng cho nên nhiều công trình đầu tư rất nhiều tiền nhưng đắp chiếu không sử dụng được. Đó là bài học rất lớn cần được tổng kết để có giải pháp cho chuẩn mực hơn.
Vậy chúng ta cần ưu tiên những giải pháp nào để đạt được hiệu quả?
- Trong điều kiện khó khăn về vốn do thu chi ngân sách chưa cân đối được, rồi nguồn vay ưu đãi của chúng ta cũng bắt đầu thu hẹp và không còn nữa. Bây giờ đi vay nước ngoài phải vay theo cơ chế thương mại tức là không được ưu đãi nữa, huy động trong dân bây giờ cũng khó cho nên đặt ra cho việc đầu tư công ngày càng phải siết chặt lại. Khi đứng trước khó khăn về vốn, buộc phải lựa chọn những lĩnh vực nào căn bản nhất, cốt tử nhất có tính chất kích hoạt lan tỏa nhất làm tiền đề cho những lĩnh vực khác, tức là phát triển cái này để tạo động lực cho cái kia. Có như thế thì hiệu quả đầu tư công mới đúng với lĩnh vực.
Thứ hai thắt chặt các quy trình thủ tục, xem xét quyết định lĩnh vực đầu tư để làm sao tránh được sự lãng phí trong đầu tư, đầu tư mà không có mục đích rõ ràng, không có hiệu quả kinh tế rõ ràng, dự báo được trước thì nên tránh, trừ những công trình trọng điểm có tính cấp bách liên quan đến an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia thì phải đầu tư cấp bách chứ còn lại thì phải rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Thứ ba phải “sửa sang” lại luật cho thật chặt chẽ để tránh thất thoát, đặc biệt là tránh tham nhũng thì hiệu quả đồng vốn bỏ ra nó mới thật sự phát huy được tác dụng.
Thưa ông, như chuyện xây dựng nông thôn mới nhiều nơi cũng đang trong tình trạng nợ đọng. Nhưng nếu phát huy được hiệu quả của nó sẽ góp phần giúp thúc đẩy tăng trưởng?
- Ở đây có hai vấn đề là nguồn vốn để đầu tư cho nông thôn mới, và hiệu quả của việc phát huy kết quả đầu tư. Hai cái này chúng ta mới đạt được mục tiêu hoàn thành một số tiêu chí, còn nhiều tiêu chí khác chưa hoàn thành và chất lượng của nó không cao. Đặc biệt ở một số nơi còn mắc bệnh thành tích, cố bằng mọi cách đạt chỉ tiêu đặt ra về nông thôn mới, nhưng chưa đánh giá hiệu quả thực sự của nó, phát huy như thế nào?
Thậm chí chưa xác định tiêu chí nào là quan trọng đầu tiên để từ đó tính kích hoạt, cộng hưởng với tiềm năng của địa phương ấy. Do bệnh thành tích, chạy đạt được bằng mọi giá nên nợ công trong xây dựng cơ bản ở nông thôn mới hiện nay ở nhiều địa phương là khá cao, cộng với hiệu quả sử dụng của các công trình bỏ vốn ra đầu tư không cao cho nên bộ mặt nông thôn mới là có nhưng tính bền vững của nó thì không.
Vậy làm sao phát huy được hiệu quả, thưa ông?
- Có nơi người ta ưu tiên vào công trình có tính chất hình thức như: nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, trạm y tế. Nhưng phát huy hiệu quả của nó thực sự là chưa tích cực. Ví dụ đường giao thông nông thôn không chỉ làm cho bộ mặt của nông thôn đẹp hơn, nhưng để tận dụng giao thông vào sản xuất kinh doanh thì chưa có sự gắn kết. Đối với nông thôn theo tôi cần đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trước.
Chỉ làm những công trình thực sự thiết yếu như: trường học, trạm y tế tạo ra phát triển bền vững hơn. Đầu tư cho trường học thì chất lượng giáo dục sẽ nâng lên, dân trí sẽ nâng cao và có thể bắt đầu từ trí tuệ của mình để khởi nghiệp. Hay trạm y tế là vấn đề bức thiết để khám chữa bệnh. Tức là những cái gắn với cuộc sống của người dân thì cần đầu tư trước. Rồi quan trọng hơn là đầu tư cho giống, cây, con, hỗ trợ cho bà con sản xuất nông nghiệp. Khi có của cải vật chất thì tự họ sẽ hoàn thiện các công trình còn lại.
Ngay cả trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có cái chưa sát với đặc thù, đặc điểm của từng địa phương. Ví dụ bê tông hóa kênh mương ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thì phù hợp, còn đồng bằng Nam Bộ không phù hợp. Vì địa hình địa chất, kết kết địa hình của họ phức tạp kênh rạch nhằng nhịt, đất yếu. Nếu như bê tông hóa thì không đủ nguồn vốn. Mặt khác do kết cấu địa hình không vững chắc cho nên tính bền vững của công trình không cao.
Do đó khi quyết định chủ trương đầu tư phải tính đến hiệu quả tính bền vững và sắp xếp theo trật tự ưu tiên. Có như vậy mục tiêu đặt ra phát triển toàn diện nông thôn mới đạt được.
Trân trọng cảm ơn ông!