Hoạt động thương mại đã tạo cho châu Á một “tấm đệm giảm xóc” trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi xuất khẩu của khu vực này phục hồi khá nhanh - nhận xét của chuyên gia Paul Sandhu, phụ trách mảng quản lý tài sản của Ngân hàng BNP Paribas.
Ý kiến đó được giới chuyên gia kinh tế đồng tình và cho rằng nếu đà này, năm 2021 sự phục hồi kinh tế của châu Á sẽ dẫn đầu thế giới, dù nền kinh tế Mỹ được cho là sẽ bật dậy với tăng trưởng GDP có thể tới 7%.
Thực tế cho thấy, trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19, những lo ngại quen thuộc về lạm phát, khả năng vốn thoái lui hay nợ công đang bắt đầu bủa vây các nền kinh tế, nhất là với các nước đang phát triển. “Nhưng ở châu Á, các nhà hoạch định chính sách lại không quá bận tâm đến vấn đề được cho là điển hình của các thị trường mới nổi này, khi các nền kinh tế của họ dường đang ngày càng phục hồi” - theo Bloomberg.
“Tấm đệm giảm xóc”
Trong 10 năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các nền kinh tế châu Á ghi nhận mức tăng trưởng nhanh và lạm phát thấp hơn các thị trường mới nổi khác. Các nền kinh tế châu Á giờ đây có dự trữ ngoại hối cao, hệ thống tài chính vững mạnh và vị thế khó có thể xoay chuyển là công xưởng của thế giới. Các thị trường chứng khoán trong khu vực này vẫn khởi sắc bất chấp đại dịch, trong khi thị trường chứng khoán của các khu vực mới nổi khác lại lao đao.
Tại Ấn Độ, quốc gia đang chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất của dịch Covid-19, Thống đốc Ngân hàng trung ương Shaktikanta Das cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2000. Tương tự, dự trữ ngoại hối của Indonesia và Thái Lan cũng đang ở gần các mức cao kỷ lục sau khi lần lượt tăng gấp 5 lần và 7 lần kể từ năm 2000.
Đáng chú ý, ngân hàng trung ương các nước châu Á có quan điểm giống với Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell, khi cho rằng sự gia tăng của giá cả là không lớn và chỉ mang tính tạm thời. Vì thế, cho đến thời điểm này, không một nền kinh tế mới nổi nào ở châu Á nâng lãi suất, trừ Pakistan.
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên “nền tảng” cho sự ổn định nhất định của các nền kinh tế mới nổi châu Á chính là các hoạt động thương mại, đã tạo ra “tấm đệm giảm xóc”. Theo chuyên gia phụ trách mảng quản lý tài sản của Ngân hàng BNP Paribas, Paul Sandhu, thì trong giai đoạn đầu của đại dịch châu Á đã xử lý tình hình tốt hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác, dù là ở các thị trường mới nổi hay phát triển.
Trong khi đó, Báo cáo được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (ngày 18/4) đã có trích dẫn số liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): Trong năm 2021, dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng ít nhất 6,5%, so với mức giảm 1,7% trong năm 2020. Báo cáo có tiêu đề “Triển vọng kinh tế châu Á và Tiến bộ hội nhập”. Trong đó, khu vực Nam Á được dự báo tăng trưởng đạt 9,7% trong năm nay; trong khi đó các nền kinh tế Đông Á dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5%. Dự báo dựa trên đánh giá cho rằng chủ yếu nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, việc nối lại hoạt động sản xuất và làm việc có trật tự ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Một nguyên nhân rất quan trọng góp vào sự tăng trưởng của châu Á, đó là châu lục này, nhất là khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đã từng bước chuyển đổi từ một “công xưởng” kỹ thuật số phụ thuộc vào lao động giá rẻ, sang một trung tâm kỹ thuật số dựa vào các ngành công nghiệp sáng tạo. Kinh tế kỹ thuật số đã góp phần khôi phục sản xuất, ổn định tình hình kinh tế và trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á trong tương lai.
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tại châu Á, tính đến tháng 2/2021, 186 hiệp định thương mại khu vực đã có hiệu lực, chiếm gần 55% tổng số hiệp định thương mại trên toàn cầu. Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế châu Á.
Kỳ vọng phục hồi nhanh nhờ vaccine ngừa Covid-19
“Các nền kinh tế châu Á, vốn chịu tác động mạnh do đại dịch Covid-19, dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay nhờ việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19, song khu vực sẽ đối mặt với những rủi ro do chênh lệch về tốc độ tiêm chủng giữa các nước và sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2” - đây là nội dung trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 3 đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN+3).
Theo đó, các Bộ trưởng và Thống đốc nhất trí rằng các chiến dịch tiêm chủng vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, nguồn cung vaccine vẫn đang là vấn đề đối với nhiều quốc gia châu Á, trong khi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều quốc gia. Vì thế, những dự báo lạc quan về tăng trưởng của châu Á cũng đã phải “xem lại”, đặc biệt là với Ấn Độ và các quốc gia Nam Á.
Trong một diễn biến khác, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup, cứ 2 người trên thế giới thì có 1 người bị sụt giảm thu nhập do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó người dân ở các nước có thu nhập thấp bị tác động nặng nề vì mất việc làm hoặc bị cắt giảm giờ làm. Cuộc khảo sát được tiến hành với 300.000 người tại 117 quốc gia. Con số 1/2 nói trên đồng nghĩa với 1,6 tỷ người trưởng thành trên thế giới phải chịu cảnh thu nhập ít đi do đại dịch.
Thái Lan có nhiều người bị sụt giảm thu nhập nhất, với tỷ lệ 76%, trong khi Thụy Sĩ có tỷ lệ thấp nhất (10%). Tại Bolivia, Myanmar, Kenya, Uganda, Indonesia, Honduras và Ecuador, hơn 70% người được hỏi cho biết số tiền họ nhận được ít hơn so với trước khi xảy ra khủng hoảng y tế này. Tại Mỹ, tỷ lệ này là 34%. Thăm dò của viện Gallup cũng cho thấy 1/2 số người được hỏi cho biết đã phải tạm thời nghỉ việc hoặc ngừng kinh doanh, tương đương với 1,7 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu.
Một nghiên cứu của tổ chức từ thiện quốc tế Oxfam, cho biết đại dịch đã khiến thu nhập của phụ nữ trên thế giới giảm 800 tỷ USD.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Delphi VI, diễn ra ở Athens, Hy Lạp, các quan chức và chuyên gia kinh tế nhận định, sẽ mất ít nhất 2 năm để phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Christopher Pissarides (người Anh) cảnh báo, để phục hồi kinh tế “sẽ mất thời gian chứ không thể bắt đầu đơn giản bằng cách nhấn một nút”. Dự báo kinh tế toàn cầu trở lại trạng thái bình thường chậm nhất là vào năm 2024.
Một số ý kiến cho rằng so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi lần này sẽ nhanh hơn, nhưng chính phủ các nước không nên lặp lại những sai lầm trong điều hành cuộc khủng hoảng năm 2008: Khắc phục cuộc khủng hoảng trước đây là gấp rút khôi phục ngân sách, nhưng bây giờ phải chú trọng đầu tư.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu và cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng này là một tác nhân đáng kể đến nền kinh tế châu Âu và thế giới. “Nó đang củng cố những điều chúng ta coi là quan trọng. Đó là một lời cảnh tỉnh giúp phát hiện ra những điểm yếu của các nền kinh tế và đẩy nhanh các xu hướng như số hóa. Cuộc khủng hoảng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để giải quyết nó”.
Diễn đàn lần này có sự tham dự của hơn 1.000 khách mời từ khoảng 40 quốc gia, bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 15/5.