Sự kiện đáng chú ý gần đây là việc Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” năm 2023. Đây là lần thứ 4 Việt Nam nhận được giải thưởng của WTA.
Cùng đó, một số điểm du lịch tại các địa phương của Việt Nam cũng được WTA bình chọn. Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI) khẳng định, sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc xác nhận vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, góp phần tăng cường nhận thức và quảng bá hình ảnh quốc gia, từ đó thu hút thêm du khách quốc tế. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch phát triển, kích thích kinh tế địa phương và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới.
Tại buổi tọa đàm diễn ra mới đây về chủ đề di sản, ông Iain Frew - Đại sứ Anh tại Việt Nam đánh giá cao những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Việt Nam. Việt Nam đang có ngày càng nhiều di sản văn hóa được công nhận trong nước và quốc tế. Việt Nam cũng đang tìm cách tận dụng tối đa những giá trị này, đảm bảo rằng di sản văn hóa sẽ trở thành trung tâm của phát triển bền vững.
GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, với việc giành được danh hiệu Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới lần thứ 4, là một tin rất vui đối với ngành văn hóa cũng như ngành du lịch Việt Nam. Di sản là một thế mạnh lớn của nước ta. Bên cạnh các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh, chúng ta đang tiếp tục làm hồ sơ trình UNESCO ghi danh các di sản mới. Hệ thống các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia cũng ngày càng tăng lên. Những danh hiệu di sản và quan trọng là giá trị đích thực của chúng có vai trò quan trọng trong việc thu hút, hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, bà Loan cũng đưa ra cảnh báo đến nguy cơ tận dụng tối đa di sản để đạt được mục đích của mình, dẫn đến khai thác cạn kiệt. Trong khi đẩy mạnh phát triển du lịch, chúng ta trước hết phải bảo vệ được di sản, không xâm hại, làm tổn thương di sản cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, đồng thời phải phát huy được giá trị di sản phục vụ cho đời sống đương đại. Nếu lạm dụng thái quá di sản, khai thác vượt quá sức chứa của di sản, hay phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại môi trường sẽ dẫn tới làm tổn hại, thậm chí “giết chết” di sản.
“Bảo vệ không có nghĩa là khư khư giữ gìn di sản, mà phải biết khai thác giá trị gia tăng của di sản qua nhiều hình thức. Trong đó du lịch là một phương thức hữu hiệu. Nhìn chung cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ và phát huy, giữ gìn và khai thác, bảo tồn và phát triển. Như vậy mới đạt được sự phát triển bền vững cho cả văn hóa lẫn du lịch” - bà Loan nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguồn tài nguyên di sản phong phú của Việt Nam góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú trong trải nghiệm du lịch. Các di sản văn hóa, lịch sử, tự nhiên và ẩm thực đặc trưng tạo nên sức hút không thể chối từ. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của nguồn tài nguyên này sẽ giữ chân du khách, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong việc khai thác du lịch với các điểm đến di sản, cần lưu ý đảm bảo sự bảo tồn và phát triển bền vững của chúng. Việc quản lý du lịch cần được thực hiện một cách cẩn trọng, nguyên tắc để không ảnh hưởng đến giá trị văn hóa, môi trường và cộng đồng địa phương. Đồng thời, cần tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và có giá trị gia tăng để thu hút du khách một cách bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc hi vọng các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cộng đồng sẽ tiếp tục chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các giá trị quý giá của di sản văn hóa Việt Nam.