Sức mạnh của pháo đài

LÃ THẾ TUẤN (Tổng hợp) 07/01/2016 17:03

Trong quá khứ, pháo đài là những công trình phục vụ mục đích quân sự. Chính vì thế, vị trí xây dựng cũng như kiến trúc của nó là hết sức độc đáo, với khả năng bao quát tình thế, khả năng phòng thủ chắc chắn cũng như có thể “tung” quân ra phản công khi có thời cơ. Tới nay, những pháo đài cổ ấy vẫn tồn tại, trở thành những điểm tham quan hấp dẫn.

1. Thế giới ghi nhận không ít pháo đài có kiến trúc hình ngôi sao 5 cánh. Giải thích về điều này, các kiến trúc sư hiện đại cho rằng, nó xuất phát từ khả năng bao quát hết sức rộng lớn, có thể phát hiện đối phương từ bất cứ góc độ nào. Thêm nữa, phần giữa của “pháo đài ngôi sao” cho phép tạo ra khoảng không gian rất rộng, có thể chứa được nhiều người cũng như các loại vũ khí. Còn phần các cánh của ngôi sao được thiết kế để có thể phòng thủ rất nghiêm mật, vì địch quân rất khó tràn vào do lối đi ban đầu là rất hẹp.

Tới nay, dù thời gian hủy hoại, nhưng vẫn còn khá nhiều pháo đài hình ngôi sao nổi tiếng.

Pháo đài ngôi sao Good Hape (Nam Phi)

Với nước Pháp, pháo đài Carré vẫn hầu như nguyên vẹn cho dù nó được xây dựng cách đây hơn 500 năm. Kiến trúc sư Henri de Mandon là tác giả của công trình. Cuối thế kỉ 17, nhà quân sự lừng danh Vauban đã cải tạo lại, khiến cho nó càng thêm chắc chắn. Lịch sử ghi nhận chưa một lần nào pháo đài Carré thất thủ. Pháo đài này cũng lại là nơi từng giam giữ Napoleon Bonaparte trong giai đoạn diễn ra cuộc Cách mạng Pháp.
Tại Hà Lan, pháo đài ngôi sao Naarden sừng sững với những bức tường kiên cố và một hào nước bao quanh. Tại mỗi cánh sao, người ta lại bố trí một công sự, mang tính bảo vệ vòng ngoài. Tương tự, tới nay người Đan Mạch vẫn lấy làm tự hào về pháo đài Kronborg, nó được người xưa dựng lên để khống chế eo biển Oresund, ngăn quân đội Thụy Điển tấn công. Pháo đài này được coi là một trong những kiến trúc nổi bật thời Phục hưng tại Bắc Âu, được UNESCO công nhận Di sản thế giới ngày 30-10-2000.
Nam Phi cũng có những pháo đài danh giá, nổi bật nhất là pháo đài ngôi sao Good Hope, được xây dựng vào thế kỷ 17, trên bờ biển Vịnh Table, với khả năng bao quát sự xâm nhập từ bên ngoài vào rất tuyệt vời. Còn tại Mỹ, người ta có quyền tự hào về pháo đài Độc lập và pháo đài McHenry. Pháo đài Độc lập được dựng lên bằng những phiến đá granite để bảo vệ cảng Boston. Nó được xây dựng từ năm 1833 cho đến năm 1851 thì hoàn thành. Còn pháo đài McHenry thuộc về Baltimore, như một công sự quân sự hoàn hảo trong chiến tranh Mỹ - Anh năm1812. Pháo đài này đã bảo vệ an toàn cho cảng Baltimore trong một cuộc tấn công của hải quân Anh vào năm 1814.

2. Trong số các pháo đài, có lẽ pháo đài Brest là danh giá nhất, gắn liền với trận tử thủ của Hồng quân Liên Xô chống lại đạo quân của phát xít Đức. Trận phòng thủ kéo dài 9 ngày, từ ngày 22 đến ngày 30-6-1941, cho đến khi quân Đức chiếm được khu trung tâm pháo đài. Tuy nhiên, những trận đánh nhỏ vẫn diễn ra trong pháo đài, cho tới ngày 20-7-1941. Sĩ quan và binh sỹ Liên Xô vẫn ẩn dưới các hầm ngầm tiếp tục chiến đấu. Ngày 8-5-1965, pháo đài Brest được phong danh hiệu Pháo đài Anh hùng.

Một tác phẩm hội họa mô tả trận chiến đấu quyết liệt của Hồng quân Liên Xô trong pháo đài Brest

Pháo đài Brest là cửa ngõ biên giới giữa Nga và Ba Lan, nằm trên một hòn đảo lớn tại ngã ba sông Bug và sông Mukhavets. Năm 1812, Sa hoàng đã quyết định xây dựng tại đây một tiền đồn bảo vệ cửa ngõ biên giới phía Tây. Pháo đài Brest khánh thành năm 1842. Quanh pháo đài là 2 lớp lũy đắp bằng đất, lớp ngoài cao 6m, lớp trong cao 10m, với 8 góc nhọn nhô ra phía ngoài theo khắp các hướng. Tổng chiều dài lớp lũy ngoài lên đến 6,5 km. Phía ngoài mỗi lớp lũy có hào nước bao quanh. Đặc biệt, dưới nền pháo đài có 500 căn hầm với các cửa thông nhau từ hầm này sang hầm khác, tạo thành thế liên hoàn và phòng thủ nhiều tầng nấc.
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội Đức quốc xã đã lập kế hoạch tuyệt mật tấn công pháo đài Brest để tiến sâu vào nước Nga. Khi khai hỏa, quân Đức đã ngay lập tức dùng hỏa lực pháo, bom với mật độ rất cao, với ý định “giải quyết trận đánh” trong vòng 12 giờ. Tuy bị bất ngờ, nhưng dựa vào sự kiên cố và thiết kế đặc biệt của pháo đài, Hồng quân đã ngoan cường chống trả, chặn bước tiến của đối phương trong một thời gian dài. Quân Đức đã sử dụng đủ mọi loại vũ khí hạng nặng, kể cả hơi ngạt và súng phun lửa nhưng không bẻ gãy nổi sức kháng cự của Hồng quân.
Sau này, trận chiến đấu bảo vệ pháo đài Brest đã trở thành nguồn cảm hứng về sự dũng cảm, ngoan cường cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật ở nhiều thể loại. Năm 1951, họa sĩ P.A.Krivonogov đã sáng tác bức tranh “Những người bảo vệ Pháo đài Brest”. Năm 1956, hãng Mosfilm xây dựng bộ phim “Đội quân đồn trú bất tử”, kịch bản của Konstantin Simonov. Bộ phim dài 92 phút mô tả toàn bộ cuộc chiến tại pháo đài Brest từ ngày 22-6 đến ngày 20-7-1941.

3. Với đất nước Cuba, pháo đài El Morro án ngữ cửa vịnh Havana. Kiến trúc sư thiết kế là người Italia- ông Juan Bautista Antonelli. Công trình bắt đầu được xây dựng vào năm 1589 để bảo vệ cảng Havana. Trong tiếng Tây Ban Nha, El Morro có nghĩ là “Tảng đá”- điều đó phần nào nói lên sức mạnh của sự phòng thủ.

Pháo đài El Morro (Cuba)

Tường pháo đài được xây dựng kiên cố bằng đá tảng, đặt những khẩu thần công hạng nặng. Bên trong là hệ thống hầm hào, kho tàng... Vào năm 1846, pháo đài được bổ sung ngọn hải đăng Faro Castillo del Morro, như một điểm nhấn kiến trúc tuyệt với cho pháo đài. Năm 1982, pháo đài El Morro đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Cho tới nay, pháo đài này vẫn là một trong những điểm tham quan tuyệt vời mỗi khi du khách đến Cuba.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức mạnh của pháo đài