Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sứ mệnh kể câu chuyện lịch sử gần 94 năm hoạt động vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, sự tài tình, sáng tạo của Ðảng ta trong việc sáng lập, tổ chức, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng; nơi lưu giữ, trưng bày, giáo dục và lan tỏa về truyền thống đại đoàn kết đến với công chúng thông qua ngôn ngữ bảo tàng.
Những bức ảnh tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng sinh động về hình ảnh của một vị lãnh tụ vĩ đại, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có bức ảnh Người tham dự Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt năm 1951 với những lời xúc động: “Hôm nay, trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão”. Vì vậy cho nên lòng tôi sung sướng vô cùng…”. Hình ảnh vị Chủ tịch trong trang phục bình dị đến thăm các tầng lớp nhân dân, tiếp đón các đoàn đại biểu thuộc các thành phần khác nhau, Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc Kết đoàn năm 1960… mang trong mình thông điệp về tinh thần đại đoàn kết của một vị lãnh tụ thiên tài, người đặt nền móng xây dựng và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đồng thời cũng là một người hết sức giản dị, gần gũi với nhân dân, có sức lan tỏa, lay động mạnh mẽ đến trái tim của mỗi người.
Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tập hợp, quy tụ, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong mỗi chiến công của dân tộc đều có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân cùng hướng đến mục tiêu chung từ đó nhân lên thành sức mạnh tổng hợp. Câu chuyện về nhà tư sản dân tộc Ngô Tử Hạ, một giáo dân yêu nước, thương dân, sớm tham gia Mặt trận Việt Minh là hiện thân của tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”, tinh thần “đoàn kết lương giáo” gây xúc động sâu sắc. Năm 1945, trước vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc” để góp phần cùng Chính phủ diệt giặc đói, dù đã 63 tuổi, cụ vẫn kéo xe tay qua các phố quanh hồ Hoàn Kiếm để vận động quyên góp lương thực cứu đói…
Trải qua các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, truyền thống đại đoàn kết được tỏa sáng và phát huy mạnh mẽ, trở thành sức mạnh vô song để cả dân tộc đương đầu với mọi chông gai, thử thách. Những hình ảnh, hiện vật từ cuộc kháng chiến chống Pháp như: Hình ảnh Quyết tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đánh xe tăng Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, những đoàn dân công vận chuyển lương thực trên những chiếc xe thồ vượt đèo, lội suối gian nan không quản mưa nắng, ngày đêm chi viện cho chiến trường; Sự chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ, thắm đượm tình nghĩa quân dân trong những ngày toàn quốc kháng chiến; Thư của Tổng bộ Việt Minh gửi cụ Cao Triều Phát, người có vai trò quan trọng trong đoàn kết tôn giáo ở Nam Bộ, tham gia kháng chiến ngay từ ngày đầu và tận hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng… đã góp phần minh chứng cho sức mạnh vô song của cuộc chiến tranh nhân dân, của tinh thần đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.
Những kỷ vật kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tái hiện bức tranh cả dân tộc cùng đồng lòng ra trận. Là tấm lòng, nhiệt huyết của nhiều trí thức yêu nước vì độc lập, tự do của đất nước, hạnh phúc của nhân dân mà dốc lòng hiến đất, nhà, tài sản để phục vụ kháng chiến, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, từ bỏ cuộc sống nơi đô thị để vào chiến khu gian khổ theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng. Tinh thần đó, ý chí đó được thể hiện qua dòng hồi ký xúc động đã nhuốm màu thời gian của bà Nguyễn Thị Trang (Vân Trang) - nguyên Phó Tổng Thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam khu Sài Gòn-Gia Định gửi con trai là chiến sĩ biệt động thành trước ngày bà vào chiến khu: “Bây giờ con đang ở đâu? Mẹ đã bỏ tất cả, kể luôn sinh mạng của mình bước thẳng vào cuộc chiến đấu, đâu chỉ riêng vì nghĩa nước. Tình nhà không ngày đêm ray rứt con người hay sao! Nhà và Nước không tách rời nhau. Đó là truyền thống của gia đình ta…”
Chiếc túi vải còn in những vệt máu, kỷ vật cuối cùng của Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Lan Khanh, cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kể câu chuyện cảm động về người con gái kiên trinh của mảnh đất thành đồng đã hiến dâng tuổi thanh xuân, nhiệt huyết tuổi trẻ cho cách mạng và hy sinh quả cảm khi chưa tròn 20 tuổi. Nhật ký chiến trường, hồi ký, thư tay… của các chiến sĩ từng bị tù đày với nhiều trang xúc động về tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, sẵn sàng hy sinh, chở che, bao bọc nhau, quyết tâm giữ vững ý chí, bản lĩnh cách mạng giữa lằn ranh sinh tử.
Những đóng góp thầm lặng của những con người bình dị mà cao cả như các anh chị giao liên, lái xe, bảo vệ, y tá, văn thư… mỗi người ở một vị trí công tác khác nhau đều tận tâm, tận hiến còn được lưu giữ qua các kỷ vật và vật dụng tự chế để phục vụ cho cuộc sống chiến đấu và sinh hoạt thời chiến đầy khó khăn, thiếu thốn.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Trong cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy thử thách và cam go ấy lại bừng sáng truyền thống đại đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam, đồng bào ta trong và ngoài nước đã chung sức đồng lòng, ủng hộ, đóng góp tài lực, vật lực, nhiều người không nề hà hiểm nguy tình nguyện tham gia phòng chống dịch.
Trao tặng những vật dụng đã đồng hành trong thời gian trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện giữa tâm dịch ở TPHCM, MC Quyền Linh bộc bạch: “Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam giản dị, đời thường nhưng thiêng liêng và cao quý vô cùng. Đồng bào mình thương nhau lắm, trong lúc thiếu thốn, họ sẵn sàng bẻ đôi cho nhau ổ bánh, san sẻ cho nhau từng gói mỳ tôm, từng nhúm rau cuối cùng…”.
Truyền thống đại đoàn kết là sợi dây gắn kết, trao truyền giữa các thế hệ người Việt, là nét đẹp đã in sâu trong tiềm thức, tâm khảm, là niềm tự hào, động lực thôi thúc ý chí quyết tâm và hành động của triệu triệu con người, được thể hiện một cách phong phú, sinh động ở từng hoàn cảnh cụ thể tạo thành sức mạnh vật chất to lớn như bức thành bất khả xâm phạm trước mọi gian nan, thử thách, là sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước. Những câu chuyện được kể bởi các hiện vật của Bảo tàng góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp, lan tỏa truyền thống tốt đẹp đó để “rừng cây đại đoàn kết” ngày càng trù phú, xanh tươi, vững chắc…
Nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, ngày 17/3/2020 Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-MTTW-BTT thành lập Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực thuộc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học… Sau hơn 4 năm thành lập, Bảo tàng đã sưu tầm được hơn 4.000 tài liệu, hiện vật, xây dựng các nguồn lực, tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục, truyền thống.