Ngày 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký các quyết định thành lập Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Cửu Long và Hội đồng điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đây là bước cụ thể hóa việc nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng để chung sức mạnh phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng. Phó chủ tịch bao gồm nhiều Bộ trưởng. Các Ủy viên bao gồm nhiều Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh trong mỗi vùng.
Trước đó, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định thành lập Hội đồng điều phối Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Vùng Đông Nam bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Tây Nguyên. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ và Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Hội đồng điều phối Vùng Tây Nguyên do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng.
Như vậy, tới thời điểm này trên phạm vi cả nước đã có 6 Hội đồng điều phối vùng.
Đây là giải pháp phù hợp, cần thiết trong việc phát triển vùng, liên kết vùng để tăng cường thế mạnh của từng vùng cũng như liên kết vùng. Điều đó cũng giúp phát hiện những khó khăn, điểm nghẽn của từng vùng để có cách tháo gỡ kịp thời. Đáng chú ý, vai trò điều phối của các hội đồng vùng là rất quan trọng: điều phối giữa các tỉnh trong vùng và điều phối trong mối liên kết giữa các vùng.
Giới chuyên gia cho rằng, Hội đồng điều phối vùng đóng vai trò như một “nhạc trưởng” chỉ đạo chung, thống nhất, xóa bỏ tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương tỉnh nào biết tỉnh nấy.
Trong những giai đoạn phát triển chúng ta đã chứng kiến việc cục bộ địa phương gây ra không ít khó khăn. Việc “ngăn sông cấm chợ” đã từng diễn ra khiến cho việc lưu thông hàng hóa gặp trở ngại, từ đó phát sinh nơi thì thừa (một hay nhiều loại hàng hóa nào đó), nơi thì lại thiếu, khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất của doanh nghiệp rơi vào tình cảnh không đáng có.
Đại dịch Covid-19 vừa qua càng chứng tỏ điều đó khi mà tình trạng “ngăn sông cấm chợ” phổ biến, các trạm kiểm soát dày đặc nhưng mỗi nơi lại áp dụng quy định khác nhau. Từ đó các loại “giấy phép con” xuất hiện, kể cả đi từ xã này sang xã khác, phường này sang phường khác cũng lại phải đáp ứng đủ những quy định khác nhau. Do đó mới có chuyện rau củ quả chất đống ở ngoại thành, ở chợ đầu mối nhưng người dân trong phố lại không có rau ăn.
Trong quá trình phát triển kinh tế cũng vậy. Mỗi tỉnh có thế mạnh, nhưng liên kết các tỉnh với nhau thì lại rời rạc, do đó không phát huy được thế mạnh chung. Người ta hay nói đến nguyên tắc “bình thông nhau”, nhưng nguyên tắc đó, hay nói đúng hơn là quy luật đó, không được áp dụng. Lỗi là ở tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương, “quyền anh quyền tôi” không ai chịu ai, mà cũng còn do hạn chế tư duy, “tư duy tiểu nông”, thiếu tầm. Truy nguyên cũng là từ lãnh đạo từng địa phương mà ra.
Kể cả việc giảm ứng phó với biến đổi khí hậu cũng vậy. Cùng trong một vùng nhưng ít có sự hợp tác. Biến đổi khí hậu tác động diện rộng chứ không chỉ nhắm đến riêng tỉnh nào, vì thế muốn giảm tác động thì phải liên kết. Xâm nhập mặn chẳng hạn, nếu địa phương ven biển không có hệ thống cống ngăn đủ mạnh thì mặn sẽ xâm nhập sâu vào ruộng đồng, vườn tược vì vậy các tỉnh xa biển cũng không thể bình yên vô sự được. Xây cống ngăn mặn không chỉ cho một tỉnh mà cho cả vùng, vì thế toàn vùng phải có trách nhiệm chung.
Hoặc như việc làm thủy điện nhỏ ở miền núi. Nếu mỗi địa phương vì quyền lợi trước mắt mà dễ dàng cho phép đốn hạ rừng thì tất yếu sẽ gây ra lũ lụt, trước hết cho chính địa phương đó và sau là các địa phương nơi hạ du. Việc xả nước hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng vậy. Nếu không có sự điều phối khoa học thì chỉ vì để giữ sự an toàn cho hồ mà xả nước ngay khi mưa lớn chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng “lũ chồng lũ”, có khi gây ra thảm họa mà người ta gọi là “nhân tai”.
Nói như vậy là vì những hiện tượng đó đều đã từng xảy ra.
Nay, khi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 6 Hội đồng điều phối vùng, hy vọng tình trạng ấy sẽ chấm dứt.