Bắt đầu từ ngày 22/7, TP Hà Nội sẽ có hai số điện thoại đường dây nóng, cùng với ứng dụng zalo và email để tiếp nhận phản ánh của người dân về các vi phạm trong phòng chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác phòng dịch, đồng thời truy vết, khoanh vùng đạt hiệu quả tốt hơn.
Sở dĩ tại thời điểm này, TP Hà Nội lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh là bởi thời gian qua một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch, khiến nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 ở mức cao. Cùng với đó, vẫn có người nhập cảnh cư trú trái phép, người về từ vùng dịch trốn khai báo y tế, đe dọa an toàn cộng đồng.
Chẳng phải cách đây chưa lâu, qua rà soát cơ quan chức năng TP Hà Nội đã phát hiện không ít người nước ngoài nhập cảnh trái phép và cư trú bất hợp pháp ở một số nơi trên địa bàn đó sao? Cũng may là trong số những nơi lực lượng chức năng phát hiện người nước ngoài cư trú bất hợp pháp chưa phát sinh ổ dịch mới, làm tình hình thêm phức tạp.
Song, có khá nhiều người về từ vùng dịch lại chưa được “quan tâm” đúng mức nên đã phát sinh ra những ổ dịch khá phức tạp trên địa bàn Thủ đô. Thật mừng là ngay sau khi phát sinh các ổ dịch với tốc độ lây lan cao, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định tất cả những người về từ vùng dịch phải khai báo y tế bắt buộc và cách ly tại nhà 14 ngày.
Khi tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, số ca nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày gia tăng, UBND TP Hà Nội đã thực hiện biện pháp mạnh tay hơn, đó là yêu cầu tất cả những người về từ vùng dịch phải xét nghiệm Covid-19. Tới thời điểm này thì bất cứ ai muốn vào Hà Nội đều phải xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Một số ý kiến cho rằng, các biện pháp phòng dịch được UBND TP Hà Nội áp dụng là hợp lý, nhưng nếu nó được triển khai sớm hơn khoảng 1-2 tuần, có lẽ tình hình đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô đã không phức tạp như hiện nay. Vì thế, chỉ có thể hy vọng với những biện pháp mạnh tay hiện nay, Hà Nội sẽ khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tất nhiên, mọi quy định dù mạnh đến đâu cũng chỉ là trên giấy, hiệu quả đến đâu còn phải phụ thuộc vào việc triển khai các biện pháp đó trong thực tiễn. Ngoài đội ngũ những người được giao nhiệm vụ phòng chống đại dịch Covid-19 từ thành phố đến quận/ huyện, phường/ xã, còn cần đến sự giúp đỡ của nhân dân mới khống chế được dịch bệnh.
Đó là lý do mà TP Hà Nội quyết định thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tình hình phòng chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Thông tin mà lãnh đạo TP Hà Nội muốn nhận được thông qua đường dây nóng không chỉ là những người cư trú bất hợp pháp, về từ vùng dịch..., mà còn là thái độ thực thi công vụ của lực lượng chức năng.
Quyết định thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình phòng chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn của TP Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Đó chính là sự vận dụng sáng tạo sức mạnh của lòng dân, khiến “cánh tay” của lực lượng chức năng chống dịch được “nối dài” tới từng ngõ phố, thôn xóm.
Sức mạnh của nhân dân là vô hạn, nếu ở đâu chính quyền địa phương biết khơi dậy sức mạnh đó thì có khó khăn nào mà không thể vượt qua? Thực tế từ khi dựng nước tới nay đã chứng minh điều đó. Sinh thời, Hồ Chủ tịch từng căn dặn: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Việc thiết lập đường dây nóng, cùng với đó là các biện pháp mạnh khác, tin rằng chính quyền và nhân dân TP Hà Nội sẽ sớm khống chế, kiểm soát được đại dịch Covid-19, không để bùng phát trên diện rộng. Điều đó là hoàn toàn có thể, bởi lãnh đạo TP Hà Nội đã biết vận dụng sáng tạo sức mạnh của nhân dân trong cuộc chiến với “giặc dịch”.