Việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà “nói không” với một giải golf và khẳng định sẽ xử lý cán bộ đương chức khi chơi giải golf ấy, được đăng tải trên nhiều kênh truyền thông, đã không còn là sự “nói với”, hay đơn giản là những lời bào chữa có tính xúc động nhất thời.
Chứng minh bằng hành động sau đó, “sức nặng” của cứu lũ, khi những mất mát cần được sẻ chia kịp thời, đâu cần những lý giải vô nghĩa.
Thực tế, bản danh sách những cán bộ cao cấp tham gia giải golf kỷ niệm 15 năm thành lập ngành Tài nguyên- Môi trường đăng tải trên các trang mạng xã hội là có thật.
Trước đó, bản thân những người lập sự kiện và những nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, cả Bộ trưởng đương chức cùng các cán bộ cao cấp, đâu có lường được những cơn lũ quét tại Yên Bái và Sơn La đã khiến hàng chục người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng thiệt hại về vật chất.
Sự kiện này đã được dự kiến tổ chức trước đó nhiều tháng. Nhưng rồi, lũ ập về. Bên nặng - bên nhẹ, rõ ràng những thiệt hại của người dân vùng cao phải được ưu tiên hàng đầu.
Người viết chưa bao giờ kỳ thị với thú chơi nhà giàu thời thượng, với những thẻ golf hàng chục nghìn USD, những bộ golf hàng trăm triệu đồng dành những người chơi golf.
Kể cả khi nếu không có sự kiện lũ quét vùng cao xảy ra và với trời cao cảnh đẹp, giải golf hoàn toàn có thể tổ chức và danh sách với những ầm ĩ trên mạng xã hội kia hoàn toàn có thể tạo dáng, đàm đạo, chung vui ngày thành lập ngành.
Song, cuộc sống khó lường, trách nhiệm với xã hội, với những gia đình đau đáu về người thân chết và mất tích, với những hủy hoại tột cùng khi cơn lũ tràn qua, đâu có thể hỉ hả bên cạnh những đau thương, mất mát.
Đó dường như là lý do vị Bộ trưởng đã đề nghị giản tiện nghi thức kỷ niệm 15 năm thành lập ngành, từ chối hội hè, thành lập hai đoàn cứu trợ lũ quét tại Yên Bái và Sơn La vào thời điềm ngay sau đó.
800 triệu đồng hỗ trợ cho Yên Bái, 500 triệu đồng hỗ trợ cho Sơn La, những động viên chia sẽ kịp thời, sức nặng nhân tâm hơn lúc nào đã xóa tan những ngộ nhận làm cơ sở để face “thủ” bình bán hay định hướng dư luận.
Ở đây, rõ ràng, tính hai mặt của mạng xã hội, những lây lan khủng khiếp có thể thay đổi cả nhận thức ban đầu. Liệu sẽ có cán bộ “dám cãi lệnh” lãnh đạo cao nhất tham dự giải golf khi Bộ trưởng đã chỉ đạo không tham dự?
Thiết nghĩ sẽ không ai dại gì mất chức vì thú vui nhất thời. Tính “mở” của mạng xã hội, và sự thực sát sườn, là phạm trù có thể trái ngược trong nhiều hoàn cảnh, mà bản thân những ý đồ “câu like” hay bình luận trước đó dù có chủ định cũng không thể tiên lượng. Sự thật vẫn là sự thật. Ngôn từ đến đâu thì thực tế không thay đổi.
Nhắc lại câu chuyện Thái Bình những năm 90 thế kỷ trước. Sự tức nước vỡ bờ của lòng dân là trong khi người dân nai lưng ngoài đồng từ tinh mơ sáng để chạy đói thì một bộ phận cán bộ, đảng viên phè phỡn trong hoa viên với lon bia chất cao thành núi.
Lối hành xử vị bản thân, phi nhân dân đã tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường mà Bộ Chính trị sau này đã đúc kết thành bài học về thế trận lòng dân, bên nặng, bên nhẹ, trách nhiệm của đảng viên lãnh đạo với người dân. Xã hội phát triển, nhưng đúc kết trách nhiệm với nhân dân, yêu cầu nhân dân đặt ra, chưa bao giờ thay đổi.
Nếu như lãnh đạo đương nhiệm Bộ TNMT tham gia giải golf trong khi cơn lũ quét còn hằn nguyên giá trị tàn phá, thì “tính mở” của mạng xã hội một lần nữa chắc chắn nâng cao giá trị đời sống. Song, tính nhân văn con người, thời nào cũng tồn tại. Lý trí vẫn tồn tại.
Xin trích một đoạn trên mạng xã hội xung quanh chuyện thực hư lãnh đạo Bộ TNMT tham dự giải golf kỷ niệm ngành “…hình ảnh những người mặc đồ thể thao chăm chú lướt golf trên sân cỏ ngày hôm nay dường như quá tương phản so với hình ảnh Phó Thủ tướng với giày cao su, đội mưa thị sát tình hình thiệt hại do lũ ống, lũ quét ngày hôm qua…
Bộ TNMT vẫn cười nói mừng nhau những lần vung gậy, vẫn khen nhau một cú đánh đẹp, rồi sau đó tiệc tùng trao giải….Bởi dẫu muốn hay không những hình ảnh ấy vẫn khiến người ta liên tưởng tới chuyện ngắn “Sống chết mặc bay” của cụ Phạm Duy Tốn, khi lũ quan huyện vẫn chơi tổ tôm bất chấp đê vỡ, nhân dân lầm than...”.
Đáng nói là sự việc ở đâu đâu nhưng lại được mô tả như thật. Sự suy diễn ấy có lợi ích gì hay chỉ để nhằm kích động xã hội, khi mượn việc quan chức chơi golf gắn với việc đồng bào miền núi trong cơn lũ dữ?