Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2018 -2020. Điều nhiều ĐB quan tâm chính là kỷ luật kỷ cương hành chính tại nhiều lĩnh vực như quản lý sử dụng đất đai, công tác cán bộ, chi tiêu công chưa nghiêm…
Chống lãng phí phải gắn với chống tham nhũng
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện khi tình trạng nợ đọng văn bản chưa được khắc phục, tình trạng luật khung, luật ống, luật chưa đạt chất lượng nên có việc bị trả lại, lùi thời gian thông qua. Luật sau sửa luật trước, 1 luật sửa nhiều luật gây thiếu ổn định trong hệ thống pháp luật, làm cho doanh nghiệp không dám đầu tư.
“Cần chấn chỉnh dự án công tư BOT, BT, sớm xây dựng hệ thống pháp lý đủ mạnh, điều chỉnh đảm bảo tính công khai, minh bạch đảm bảo lợi ích nhà nước - doanh nghiệp-người dân. Bởi vừa qua việc giảm phí mới chỉ là giải pháp trước mắt chưa mang tính lâu dài”- ông Xuyền kiến nghị.
Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), thi hành thực thi pháp luật đang là khâu yếu là điều đáng suy nghĩ vì quản lý nhà nước bằng pháp luật, ban hành nhiều luật nhưng luật không nghiêm, luật không đi vào thực tiễn là không có ý nghĩa. Nguyên nhân theo ông Học do phát hiện xử lý vi phạm chưa nghiêm, cấp trên chưa làm nghiêm để cấp dưới noi theo, cán bộ chưa làm gương cho nhân dân nhìn vào, chưa kể nhiều cơ quan làm luật nhưng việc tuân thủ pháp luật không nghiêm, thời gian trình muộn, vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vi phạm pháp luật ngay từ khâu soạn thảo luật. Khi việc thực thi pháp luật còn yếu thì xã hội mất ổn định.
Theo ông Học, dù ban hành nhiều văn bản nhưng kỷ luật kỷ cương hành chính tại nhiều lĩnh vực như quản lý sử dụng đất đai, công tác cán bộ, chi tiêu không nghiêm thì đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho nền hành chính trì trệ. Đề nghị trong nghị quyết, Quốc hội cần giao nhiệm vụ cho Chính phủ đồng thời tăng cường giám sát vì đây là vấn đề rất quan trọng.
Nói như lời ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) thì: “Sức ỳ của nền hành chính là kẻ thù của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo. Nhiều vụ việc nếu dư luận, báo chí không nêu thì chưa chắc đã được phát hiện, giải quyết. Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp lại không xử lý mà phải đợi yêu cầu từ trên xuống. Tại sao nhiều vụ việc phải đưa lên Thủ tướng mới chuyển biến được?. Để thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo không có gì quá khó khăn, thậm chí đơn giản chỉ là các cơ quan có thẩm quyền làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình. Do đó đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan. Từ đó chấm dứt tình trạng trên nóng, dưới lạnh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên cứ phải lo thay cho cấp dưới.”
Thiếu “chỉ số niềm tin”
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, trong 13 chỉ tiêu mà báo cáo của Chính phủ nêu giá như có thêm “chỉ tiêu về lòng tin” chắc chắn làm sự phát triển bền vững hơn. Nhắc lại câu chuyện xảy ra ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), ông Quốc cho rằng, cần nhìn nhận vụ việc như một sự khủng hoảng niềm tin chứ không nên nhìn thuần túy là vụ án hình sự. Bởi tất cả những gì diễn ở Đồng Tâm có một yếu tố cần Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm quan tâm. Đó là những đề đạt ý kiến, khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, từ đó tích tụ lại thành “tức nước vỡ bờ”.
ĐB Quốc nói đồng thời đặt ra vấn đề: Tại sao một lực lượng công an tinh nhuệ, được đào tạo, huấn luyện bài bản lại bị bắt, bị giữ như cách nói của cơ quan có trách nhiệm? Câu trả lời duy nhất là vì họ vẫn giữ được phẩm chất của Công an nhân dân, không coi nhân dân là kẻ thù nên họ chấp nhận để người dân giữ.
Theo ông Quốc, khi giải quyết vụ việc Đồng Tâm, ông tán thành việc thượng tôn pháp luật, phải xử lý đến cùng. Chúng ta đã khởi tố vụ án để điều tra những người dân vi phạm, nhưng đến nay những cán bộ công an cũng vi phạm pháp luật vẫn chưa bị xử lý, điều đó gây bức xúc cho nhân dân. Ngay cả việc thượng tôn pháp luật suy cho cùng không phải chỉ là việc bắt giữ mà là để củng cố lòng tin.
Không chạy theo mục tiêu tăng trưởng Phát biểu giải trình khép lại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội kéo dài 2,5 ngày, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP do Quốc hội giao là 6,7% Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt huy động mọi nguồn lực. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá tốt hơn. Kết quả tăng trưởng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao không phải phụ thuộc vào một số ngành mà đồng đều các lĩnh vực. Chúng ta không chạy theo mục tiêu tăng trưởng, mà là chất lượng tăng trưởng. |