Văn hóa

Sùng A Lùng, từ bản làng tới sàn diễn

Ngọc Mai 20/12/2023 08:13

Là 1 trong 3 biên đạo được trao giải A, Sùng A Lùng là cái tên quen thuộc với giới nghệ sĩ múa cũng như công chúng nghệ thuật biểu diễn.

anh-bai-tren.jpg
“Trừ tà” do Sùng A Lùng biên đạo và biểu diễn, đoạt giải C Liên hoan nghệ thuật múa TPHCM lần 5. Ảnh: Hoàng Trung Thủy.

Sùng A Lùng đã để lại dấu ấn nghệ thuật của mình trên sân khấu đương đại Việt Nam trong thời gian qua. Sinh năm 1993 tại Lai Châu, Sùng A Lùng đã khiến công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Năm 2010, Sùng A Lùng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Diễn viên múa tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau đó anh công tác tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại, tới năm 2014 thì chuyển công tác về Đoàn Vũ kịch, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM.

Sùng A Lùng, cậu bé người Mông sinh ra trong một gia đình nông dân, ở bản Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu). 3 tuổi, Lùng đã theo mẹ lên nương, 4 tuổi đã địu em sau lưng đi nhặt những hạt thóc rơi vụn trên ruộng đồng. Lùng kể, mùa nắng thì cháy da, mùa mưa thì lúc nào người cũng ướt sũng bởi cậu là anh trai cả trong nhà nên phải phụ cha mẹ.

Lớp 6, Lùng được xuống huyện học nội trú. Lên lớp 8, Lùng đạt giải nhất huyện về múa trong một hội diễn. Lớp 9, Lùng được tuyển thẳng vào Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội. Từ đó, con đường nghệ thuật mở ra trước mắt Sùng A Lùng.

Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng nhất là kể từ khi anh chuyển vào TPHCM lập nghiệp, đầu quân cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO). Tại đây, khi thể hiện hình tượng Tú Bà trong vở ballet Kiều (biên đạo Tuyết Minh), Sùng A Lùng đã vụt sáng.

Nhắc đến Sùng A Lùng là nhắc đến sự hoang dã và đắm say với vũ điệu. Tại Liên hoan nghệ thuật đương đại Krossing Over, Sùng A Lùng mang đến vở múa đương đại “Cánh cửa”. Đây là bản phát triển từ vở “Ru đêm” do anh tự biên tự diễn và giành Huy chương Vàng tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2016”.

Khi ấy, các giám khảo gồm NSND Nguyễn Công Nhạc, NSND Trần Kim Quy, NSƯT Trần Ly Ly... đều ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì sự mới mẻ, vì cách kết hợp giữa dân gian và đương đại rất tinh tế, tài tình của chàng trai người Mông. Càng ngỡ ngàng hơn nữa khi lúc ấy Sùng A Lùng chỉ là diễn viên múa chứ chưa hề qua trường lớp biên đạo nào.

Với “Ru đêm” của Sùng A Lùng, biên đạo Trần Ly Ly không ngớt lời thán phục, đánh giá là một trong những vở múa định hướng được nền múa đương đại Việt Nam. “Để làm được điều này là vô cùng khó. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên: Tại sao Sùng A Lùng có thể biểu diễn được một tác phẩm solo với thủ pháp vô cùng dung dị nhưng lại chạm đến trái tim như thế” – biên đạo Trần Ly Ly nói.

Còn Sùng A Lùng cho biết, anh quan niệm rằng múa đương đại Việt Nam phải mang tâm hồn người Việt, có gì đó đồng cảm với phương Đông nhưng lại không xa rời ngôn ngữ của thế giới.

“Ru đêm” để lại ấn tượng sâu sắc còn bởi tiếng khèn lá, bởi lời hát ru nức nở và mộc mạc của những người con vùng núi cao Tây Bắc. Sùng A Lùng cho biết, bài hát ru đó anh học từ bố. Nó là bài hát cổ, là lời tâm sự của một người em với người chị về cuộc đời mình. Đó là một cuộc đời mà người em tự vạch ra, tự bước đi. Dù khó khăn, cách trở thế nào thì người em vẫn đi theo con đường mình đã chọn.

Cũng thế, Sùng A Lùng rời bản làng đến những thành phố đông đúc để theo đuổi đam mê với nghệ thuật múa. Và anh đã thành công.

Tới nay, người yêu nghệ thuật múa ghi nhận Sùng A Lùng với nhiều tác phẩm do anh biên đạo hoặc biểu diễn. Đó là “Mái nhà”, “Ru đêm”, “Đi qua tình yêu”, “Cà phê Sài Gòn”, “Mùa xuân thiêng liêng”, “Falling Angles”. Anh cũng đã đạt được một số thành tích đáng kể, như huy chương Vàng Cuộc thi Tài năng Biên đạo trẻ toàn quốc năm 2016; năm 2019 là nghệ sĩ múa Việt Nam được mời tham dự Liên hoan Múa các nước châu Á tại Bắc Kinh; giải A tại Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng năm 2020… Và mới đây nhất tác phẩm “Khía Súa” của Sùng A Lùng được trao giải A năm 2023 của Hội Nghệ sĩ múa TPHCM.

Nói như biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng - tổng đạo diễn nhiều chương trình quy mô của HBSO thì tố chất đặc biệt của Sùng A Lùng là múa mà như không múa. Không chỉ là diễn viên múa có hạng, Sùng A Lùng còn là một ẩn số thú vị của biên đạo múa Việt Nam.

Hội Nghệ sĩ múa TPHCM đã trao giải thưởng các tác phẩm nghệ thuật múa năm 2023. Các giải A được trao gồm tác phẩm “Hoàng hôn”, “Điểm ngắm sương mù” và “Khía Súa” của 3 biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, Tạ Thùy Chi và Sùng A Lùng. Theo ông Lê Nguyên Hiều - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, các tác phẩm để xét giải múa 2023 lấy mốc từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2023. Các tác phẩm đoạt giải A đều có tư tưởng, phong cách dàn dựng, diễn viên biểu diễn trội hơn so với các tác phẩm khác. Đặc biệt, các biên đạo đoạt giải cao đều có cái nhìn mới mẻ trong dàn dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sùng A Lùng, từ bản làng tới sàn diễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO