Sức khỏe

Sương mù dày đặc ở Hà Nội: Nguy cơ cao mắc bệnh đường hô hấp

An Thái 03/02/2024 10:56

Ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí sáng sớm ngày 2/2 cho đến 10 giờ sáng cùng ngày, không khí ở Hà Nội vẫn bị bao phủ bởi màn sương mù và bụi mịn dày đặc, thậm chí nhiều nhà cao tầng còn không nhìn rõ các tầng trên cao. Ngoài ứng dụng PAM Air nói trên, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual đã xếp Thủ đô Hà Nội đứng đầu các thành phố trên thế giới bị ô nhiễm không khí với chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt ngưỡng 200 - mức rất nguy hại tới sức khỏe.

duoi.jpg
Sáng 2/2, Hà Nội chìm trong sương mù. Ảnh: Thu Trang.

Theo các ứng dụng, cá biệt có điểm quan trắc tại khu vực Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI lên tới 319, mức nâu - mức cao nhất trong thang bảng đo chất lượng không khí). Một số điểm như Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) AQI ở mức tím - rất xấu, tình trạng không khí báo động, mọi người sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng.

Các chuyên gia môi trường phân tích, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít. Vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên. Đây là hiện tượng phân tầng ổn định, làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Sương mù là một trong số hơn 20 loại hình thiên tai thường gặp ở Việt Nam. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km. Thông thường, sương mù màu trắng, nhưng ở một số khu vực có thể có màu vàng đục hay xám. Sương mù thường xuất hiện vào buổi sáng sớm khi mặt trời chưa lên hay buổi chiều muộn của mùa đông. Hiện tượng sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), sương mù ở nước ta xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông. Hiện tương sương mù sáng 2/2 ở Hà Nội không có gì bất thường và đã được dự báo trước trong các bản tin của cơ quan khí tượng. Tình trạng sương mù dày và mưa phùn sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng 4/2, từ ngày 5/2 sương mù và mưa phùn sẽ có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc nước ta.

Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong sáng 2/2 có hiện tượng sương mù dày đặc, làm cản trở tầm nhìn của người dân là khá hiếm trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây là một vấn đề của thời tiết và khí hậu, không phải do ô nhiễm môi trường gây ra.

Trước hiện tượng sương mù dày đặc sẽ còn có nguy cơ kéo dài trong một vài ngày tới ở Hà Nội, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, nhất là người già và trẻ em khi ra ngoài cần giữ ấm và đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm những bệnh về đường hô hấp. Trường hợp cần phải di chuyển ra khỏi nhà thì nên đợi tan bớt sương mù để các chất độc trong không khí đã bay lên cao. Khi ở trong nhà cần phải hút ẩm, mở điều hòa chế độ sưởi để hạn chế vi khuẩn, virus sinh sôi gây bệnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, sương mù có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe bởi sương mù độ ẩm trong không khí sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus phát triển. Với độ ẩm không khí như hiện này sẽ tác động tới những người vốn có vấn đề về xương khớp, tim mạch, người mắc bệnh lý nền… rất dễ xảy ra những đợt khởi phát bệnh cấp tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sương mù dày đặc ở Hà Nội: Nguy cơ cao mắc bệnh đường hô hấp