Ngày 26/11, Đại sứ quán Hà Lan phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu(WACC) tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ thông tin về dự án Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo thông tin từ các chuyên gia Hà Lan, Đại học Cần Thơ và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sụt lún ở vùng ĐBSCL đang là vấn đề cấp bách. Tốc độ sụt lún ở ĐBSCL lên đến 5,7 cm/năm (năm 2019), cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối (35 mm/năm).
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây ra sụt lún chính là do quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm. Nếu các hoạt động sử dụng nước ngầm hiện nay không thay đổi, thì có khả năng, phần lớn ĐBSCL sẽ bị ngập vào năm 2100. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng sẽ làm tăng độ mặn trong mực nước ngầm. Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, nước ngầm nhiễm mặn là một vấn đề ngày càng gia tăng ở ĐBSCL đặc biệt là ở các vùng ven biển.
Để giải quyết vấn đề khai thác quá mức nguồn nước ngầm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018 Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Triển khai quy định này, Bộ TM&MT đã thúc đẩy việc thực hiện Nghị định 167 việc lập kế hoạch phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất ở tất cả các tỉnh ở ĐBSCL, với mục tiêu của từng tỉnh là hoàn thành kế hoạch trước ngày 10/2/2022. Các kế hoạch phân vùng cấp tỉnh xác định nơi nào được khai thác nước dưới đất với số lượng bao nhiêu và phân loại chia thành 5 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Trong khuôn khổ hợp tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan, Chính phủ Hà Lan đã tài trợ một dự án Quản trị sụt lún và quản lý nước ngầm ở ĐBSCL để hỗ trợ việc thực hiện Nghị định 167. Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, qua triển khai dự án nêu trên tại 4 tỉnh trọng điểm là Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng và Kiên Giang, việc triển khai Nghị định 167 gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thiếu dữ liệu ở cấp tỉnh để phân vùng vì các nghiên cứu về sụt lún hiện nay chỉ ở cấp đồng bằng; thiếu mạng lưới giám sát sụt lún; các sở không đủ tài chính và năng lực kỹ thuật; thiếu liên kết vùng…
Để giải quyết bài toán trên và hạn chế thiệt hại thấp nhất, ông Thiện cho rằng, chúng ta cần một Quy hoạch tổng thể về quản lý nước ngầm cho toàn ĐBSCL. Nghị định 167/2018 của Chính phủ là yêu cầu từng địa phương tự xây dựng các phân vùng hạn chế khai thác nước ngầm của địa bàn mình. Như vậy, tầng nước ngầm là tầng chung liên tỉnh nhưng nếu mỗi địa phương tự phân vùng thì sẽ khó.