Mới đây, một em gái 15 tuổi ở huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) được đưa đến Trung tâm Y tế huyện trong tình trạng đau đầu chóng mặt nhiều, mệt mỏi, sốt cao 39,5°C, ho khan, đau bụng quanh rốn. Qua khai thác được biết ở nhà bệnh nhân đã tự ý điều trị bằng thuốc lá cây ngày thứ 10.
Trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và không có yếu tố dịch tễ về bệnh truyền nhiễm.
Thầy thuốc nhanh chóng tiến hành cho người bệnh thở oxy, thiết lập đường truyền tĩnh mạch và đặt Monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn. Kết quả chụp XQ cho thấy phổi có tổn thương nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy công thức máu tế bào hạt giảm 3 dòng, chức năng gan suy giảm, men gan tăng gấp 3 lần bình thường.
Người bệnh được chẩn đoán xác định là sốc nhiễm khuẩn đường vào hô hấp/suy gan cấp do ngộ độc thuốc nam. Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp được tiên lượng rất nặng, có nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân phải điều trị kéo dài 12 ngày mới ổn định, ăn ngủ bình thường, được chỉ định ra viện.
Theo bác sĩ Đinh Xuân Hạnh, rất khó để phân tích thành phần dược chất có trong thang thuốc nam để tìm ra đích danh “thủ phạm” gây dị ứng và ngộ độc. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị suy thận nặng tới mức phải chạy thận nhân tạo.
Ở trẻ em, ngộ độc thuốc nam gây kém phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi, liệt, co cứng, giảm thị lực,… ảnh hưởng đến kết quả học tập và tương lai nghề nghiệp. Vì thế không nên tự ý mua hoặc tự lấy thuốc nam hay còn gọi là thuốc đông y để sử dụng.