Ngày 30/3, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội thảo “AEC, TPP: Các tác động đến nền kinh tế và doanh nghiệp ĐBSCL. Những vấn đề nổi bật cần quan tâm”.
Chế biến thủy sản – thế mạnh của vùng ĐBSCL. (Ảnh: L.Q.K.).
Theo VCCI Cần Thơ, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL 7,8%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 40 triệu đồng, tương đương 1.950 USD. Sản lượng lúa của vùng 25,2 triệu tấn (56% sản lượng cả nước. Xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo mỗi năm; sản lượng thủy sản 3,62 triệu tấn (chiếm 57% sản lượng cả nước) xuất khẩu tôm gần 3 tỉ USD, cá tra 1,7 tỷ USD; sản lượng cây ăn trái đa dạng như xoài, dừa, thanh long, măng cụt, sầu riêng…
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết: Hiện khu vực ĐBSCL có trên 53.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong đó có hơn 40% hoạt động trong lĩnh vực thương mại, 20% trong công nghiệp, gần 14% xây dựng, số còn lại là nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực khác...
Những năm gần đây ĐBSCL có nhiều điểm mới hấp dẫn nhà đầu tư như: Hệ thống giao thông đường bộ, hàng không thuận tiện, môi trường kinh doanh được đo lường qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao; cơ cấu kinh tế lao động nông nghiệp đang có xu hướng giảm nhanh; có thêm nhiều cơ sở giáo dục đào tạo và vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc…
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Năm 2016, Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định quốc tế quan trọng như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế (AEC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp và hàng hóa, nhất là các ngành hàng chủ lực như nông nghiệp, thủy sản sẽ cạnh tranh gay gắt hơn với các nước trong khu vực và thế giới. Hội thảo này là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, giúp doanh nghiệp định hướng đề ra các giải pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong bối cảnh hiện nay, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ để không bị động khi bước vào sân chơi chung của thế giới.
Ông Thống cho rằng: Các doanh nghiệp trong nước cần có sự liên kết với nhau, có như vậy mới tận dụng tốt các cơ hội, đồng thời ứng phó tốt với các thách thức, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, từ đó có thể đứng vững trên thị trường nội địa, củng cố vị trí trên thị trường quốc tế và chủ động hơn trong kinh doanh…