Tác động của cuộc xung đột ở Sudan

Hà Anh 26/04/2023 07:55

Cuộc giao tranh tại Sudan đang làm gia tăng những lo lắng từ các nước láng giềng, bởi Nam Sudan, Chad và Ai Cập... đều phụ thuộc vào sự ổn định ở nước láng giềng Sudan, cho dù đó là vì lý do kinh tế, nhân đạo hay an ninh.

Xung đột ở Sudan ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Ảnh: AP.

Theo bà Marina Peter - người sáng lập Diễn đàn Sudan và Nam Sudan - sự bùng nổ bạo lực giữa các lực lượng trung thành với người đứng đầu quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và cựu cấp phó của ông là Mohamed Hamdan Daglo (được biết đến với cái tên Hemedti), người chỉ huy nhóm RSF bán quân sự, chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra bạo lực, làm mất ổn định khu vực.

Lo lắng về nguồn thu kinh tế

Trả lời tờ Deutsche Welle của Đức, bà Marina Peter cho biết: Khi một cuộc xung đột nổ ra ở quốc gia này, các nước như Ai Cập, Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Ethiopia, Eritrea, thậm chí vượt qua Biển Đỏ là Ả Rập Saudi, cũng luôn bị ảnh hưởng”.

Theo các chuyên gia, tất cả các quốc gia trên đều phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với Sudan, nhưng đặc biệt là Nam Sudan, quốc gia tuyên bố độc lập vào năm 2011. Chiến tranh đã chính thức kết thúc ở Nam Sudan từ năm 2020, nhưng hòa bình rất mong manh: “Cho đến ngày nay, vẫn còn giao tranh giữa các nhóm phiến quân ở nhiều nơi ở Nam Sudan” - bà Peter nói.

Đồng quan điểm, ông Gerrit Kurtz từ nhóm nghiên cứu châu Phi và Trung Đông tại Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức ở Berlin cho biết, lịch sử chung đã kết nối mạnh mẽ người dân ở cả hai quốc gia. “Nhiều người từ cả hai quốc gia sống hoặc ở lại các đất nước của nhau và tất nhiên cũng có những mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ” – ông Kurtz nói.

Theo ông Kurtz, Nam Sudan phụ thuộc vào ngoại tệ từ việc bán dầu thô, chiếm khoảng 95% doanh thu công. Sudan rất quan trọng đối với mặt hàng xuất khẩu này, vì có đường ống dẫn dầu chạy qua Sudan đến Biển Đỏ. Do đó, Chính phủ Nam Sudan rất quan tâm đến việc đảm bảo rằng mối liên hệ này được duy trì.

Khủng hoảng nhân đạo

Với Chad, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tăng do xung đột ở Sudan. Ngày 24/4, quân đội nước này đã báo cáo rằng, họ đã tước vũ khí của 320 chiến binh bán quân sự từ Sudan vượt qua biên giới. Tuy nhiên, người di cư chủ yếu vẫn là dân thường. Bộ trưởng Truyền thông của Chad Aziz Mahamat Saleh cho biết, những người tị nạn từ các khu vực tranh chấp ở phía Tây Sudan đã đến Chad bất chấp thực tế là biên giới dài 1.500 km với Sudan đã bị đóng cửa.

Ông Saleh cho biết, Chad có văn hóa hiếu khách và không thể đóng cửa hoàn toàn biên giới. “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ chúng tôi trong cuộc khủng hoảng nhân đạo đang cận kề này. Đất nước này đã đón hơn 500.000 người tị nạn” - ông Saleh nói, đồng thời cho biết thêm rằng, ông lo ngại cuộc chiến đang diễn ra có thể tác động lâu dài đến toàn bộ khu vực, bao gồm cả thương mại giữa hai nước láng giềng.

Trong khi đó, Ai Cập cũng có lịch sử lâu đời với Sudan, không chỉ với tư cách là một đối tác thương mại.

Theo ông Kurtz, Ai Cập và Sudan có nền văn hóa tương đồng và mối quan hệ gần gũi của giới thượng lưu hai nước: Nhiều người đã học ở Ai Cập, các lực lượng vũ trang đã được huấn luyện ở Ai Cập. Khi cuộc xung đột gần đây nổ ra, các thành viên của lực lượng Không quân Ai Cập đang ở Sudan để huấn luyện. Theo các quan chức Sudan, 177 quân nhân đã được sơ tán trở lại Ai Cập.

Với mối quan hệ gần gũi, đặc biệt là về phía lực lượng vũ trang và quân đội, ông Kurtz cho rằng, chính quyền quân sự ở Ai Cập có xu hướng coi chính phủ quân sự của Sudan là đồng minh.

Khi xung đột nổ ra ở Sudan, cả Ai Cập và Nam Sudan đều đề nghị làm trung gian hòa giải và đây là bằng chứng nữa cho thấy các nước láng giềng của Sudan có lợi ích chung đối với sự ổn định của nước này.

Nỗ lực hòa giải

Ngày 24/4, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID), bà Samantha Power, thông báo, cơ quan này đã triển khai một nhóm chuyên gia ứng phó thảm họa trong khu vực để điều phối hoạt động ứng phó nhân đạo khi giao tranh tại Sudan leo thang tuần thứ 2 liên tiếp.

Hiện các chuyên gia đang làm việc với cộng đồng quốc tế và đối tác để xác định những nhu cầu ưu tiên và cung cấp hỗ trợ nhân đạo một cách an toàn. Quan chức USAID cũng kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn trong ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, chấm dứt giao tranh và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả việc tạo điều kiện tiếp cận an toàn cũng như không cản trở các nhân viên y tế và nhân đạo.

Cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về chủ nghĩa đa phương, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhấn mạnh xung đột tại Sudan tiềm ẩn hệ lụy nghiêm trọng đối với toàn bộ khu vực. Tổng Thư ký Guterres đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại Sudan có thể “nhấn chìm toàn bộ khu vực”, trong bối cảnh giao tranh tại nước này đã leo thang sang tuần thứ 2 liên tiếp.

Tổng Thư ký LHQ Guterres tái khẳng định cam kết duy trì hiện diện của LHQ tại Sudan, sau khi đưa ra thông báo về việc người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ Sudan (UNITAMS) Volker Perthes sẽ tiếp tục công việc của mình tại đây. LHQ sẽ sát cánh cùng người dân Sudan vào thời điểm khủng hoảng và hỗ trợ họ trong mục tiêu khôi phục an ninh và hòa bình đất nước.

Trong một tuyên bố ngày 25/4, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nêu rõ, sau 48 giờ đàm phán căng thẳng, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã nhất trí thực hiện ngừng bắn trong 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 24/4 (giờ địa phương). Ông Blinken kêu gọi các bên ở Sudan ngay lập tức tuân thủ và duy trì lệnh ngừng bắn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác động của cuộc xung đột ở Sudan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO