Tắc động mạch chi dưới vì hút thuốc lá

Đức Trân 25/10/2023 08:00

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hàng loạt các bệnh có thể đe dọa tới tính mạng, như nhiễm trùng đường hô hấp, tim mạch, ung thư…

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân L.C.T. (nam 63 tuổi), nhập viện trong tình trạng hai chân đã không thể tự di chuyển. Qua khai thác thông tin từ người nhà được biết ông T. có tiền sử hút thuốc lá trong nhiều năm liền.

Theo lời kể của con trai người bệnh: “Bố tôi có hiện tượng đau chân âm ỉ một thời gian, đến khi ông đau không đi được nữa thì gia đình đưa ông vào nhập viện. Ông hút thuốc từ trẻ đến bây giờ, ông hút khá nhiều cả thuốc lá và thuốc lào”.

BS Nguyễn Anh Huy - Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Bệnh nhân hút thuốc lá nhiều năm và nhập viện trong tình trạng các ngón chân đều đã bị tím, khả năng cắt cụt đến 90%. Người bệnh đau chân từ khoảng 1 tháng trước, nhưng 3 ngày trước khi vào viện thì đau tăng lên. Sau khi thăm khám, thấy lâm sàng của bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu chi bán cấp tính khá rõ ràng. Bệnh nhân được chỉ định thăm dò tim mạch, hô hấp, xét nghiệm máu và chụp mạch thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn phần chậu, đùi, cẳng chân… nên quyết định mổ cấp cứu. Sau khi mổ xong thông mạch 3 ngày, bệnh nhân chuyển biến tốt, tiên lượng có thể giữ lại được chân.

BS Huy cho biết, thiếu máu mạn tính chi dưới (hay bệnh động mạch chi dưới mạn tính) là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu đến cơ, dây thần kinh, da, khiến người bệnh đau nhức chân khi vận động. Đây là nhóm bệnh phổ biến tại nước ta nhưng ít người để ý hoặc lầm tưởng với các bệnh về xương khớp, tĩnh mạch, thần kinh cột sống. Người bệnh chỉ đến viện khi ngón chân đã sưng tím, hoại tử và phải cắt cụt chi.

Được biết, trên thế giới hiện có khoảng 200 triệu người bị bệnh thiếu máu chi dưới. Hơn 20% người trên 70 tuổi sẽ bị tắc động mạch chi dưới. Khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, 20% bệnh nhân phải cắt cụt chi.

Theo BS Huy, hút thuốc lá, thuốc lào là một trong những nguy cơ chính gây ra căn bệnh nói trên. Trong đó, nguy cơ tắc động mạch chi dưới với người hút thuốc lá cao gấp 2 - 6 lần người bình thường; gấp 2 - 4 lần ở người mắc tiểu đường.

Tuy nhiên, thiếu máu mạn tính không phải căn bệnh nguy hiểm, để lại ảnh hưởng nặng nề duy nhất mà thuốc lá gây ra. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá: Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là một nguyên nhân làm gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm trong thời gian qua. Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ giới Việt Nam. Trên 75% số ca tử vong ở Việt Nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính.

Nguy hiểm hơn, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta dù đã giảm nhưng vẫn còn cao. Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới trong khi sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đang đe dọa những thành quả từ hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

Để bảo vệ thành quả của hơn 10 năm phòng, chống tác hại của thuốc lá, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn sự gia tăng sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá, đưa ra những chính sách để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử, các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong bảo vệ trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tắc động mạch chi dưới vì hút thuốc lá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO