Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP, quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) như đề nghị của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023, mức giảm là 2% với hàng hóa, dịch vụ quy định ở trên. Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hoá, dịch vụ này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng việc giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng cuối năm sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng/6 tháng.
Giới chuyên gia cho rằng đây là một biện pháp ứng phó kịp thời với diễn biến tình hình kinh tế hiện nay. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá hàng hoá, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng trong năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ở thời điểm hiện nay là cực kỳ cần thiết.
“Người tiêu dùng hưởng lợi từ việc giảm thuế GTGT là đương nhiên, quan trọng nữa là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ đang chịu thuế GTGT 10% sẽ được hưởng lợi như giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh” - ông Thịnh nói.
Để bù đắp vào khoản giảm thu, theo ông Thịnh, chính việc giảm thuế GTGT sẽ kích cầu người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn nên thuế thu được cũng sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó ngành thuế cần kết hợp với các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, đồng thời quyết liệt quản lý thu ngân sách nhà nước, quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế, trốn thuế.
Tuy nhiên, để việc giảm thuế GTGT thực sự có hiệu quả, giới chuyên gia kinh tế cho rằng ngay từ khi chính sách có hiệu lực, cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra việc tổ chức thực hiện để nhìn nhận rõ tác động của chính sách đối với người dân. Cùng với đó, việc giảm thuế GTGT phải đảm bảo cung cầu hàng hóa. Nếu giảm thuế GTGT mà giá hàng hóa lại cao hơn thị trường thì việc giảm thuế GTGT là điều vô nghĩa. Tức là cần phải kiểm soát để chính sách giảm thuế GTGT thực sự hiệu quả.