Giáo dục

Tác dụng ngược của chứng chỉ ngoại ngữ

NGỌC HÀ 03/03/2024 09:21

Xu hướng tuyển sinh thông qua chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang ngày càng phổ biến dẫn đến việc đông đảo phụ huynh không tiếc tiền cho con luyện thi chứng chỉ. Lợi ích là có thật nhưng việc luyện thi theo phong trào để con mình không thua kém “con nhà người ta” sẽ gây ra tác dụng ngược.

tieng-anh_twkv.jpg
Cần thúc đẩy động lực học ngoại ngữ cho học sinh hơn là "chạy đua" lấy chứng chỉ.

Học sinh, phụ huynh cần hiểu đúng về tác dụng của chứng chỉ ngoại ngữ để xác định mục tiêu, thúc đẩy động lực học để không phải mong chờ sự ưu tiên từ bất kỳ chứng chỉ nào.

Mất cân bằng vì chứng chỉ ngoại ngữ

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên thí sinh có giải học sinh giỏi hay chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào lớp 10 công lập.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), sở dĩ Bộ bỏ quy định về điểm khuyến khích, trong đó có quy định ưu tiên chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh lớp 10 vì nhận thấy có thể gây mất công bằng. Thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn. Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có mong muốn học tốt môn ngoại ngữ, thì điều kiện đi lại và vấn đề học phí luôn luôn là trở ngại lớn. Như vậy, dùng chứng chỉ để tuyển sinh là không công bằng.

Nhìn lại thực tế, những năm qua “cuộc đua” chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOIEC, TOEFL iBT... đang ngày càng tăng tốc khi đa số phụ huynh, học sinh đều muốn sở hữu những “tấm vé” ngoại ngữ để thông hành, vừa được tuyển thẳng, cộng điểm lại vừa được kiến thức. Trong đó số lượng người học IELTS ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban Quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia công bố cuối tháng 12/2023, độ tuổi thi IELTS của người Việt Nam ngày càng trẻ. Sau 5 năm kể từ năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên 16 - 22 tuổi trong tổng số người thi IELTS tăng lên 62%. Tính riêng, nhóm 16 - 18 tuổi chiếm 30%, tăng 20 lần so với năm 2018; nhóm 19 - 22 tuổi tăng hơn 2 lần; còn nhóm trên 23 tuổi giảm hơn một nửa, từ gần 52% xuống 20%.

Theo học các khóa luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ không phải là điều xấu, tuy nhiên thời điểm nào, độ tuổi nào để bắt đầu quá trình học chứng chỉ lại chưa thực sự được nhiều người quan tâm. Nếu học sinh muốn có chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển vào lớp 10, thì các em cần học các khóa theo chương trình ôn thi của chứng chỉ từ năm lớp 7 hoặc 8.

Điều này đi ngược với khuyến cáo học sinh dưới 16 tuổi không nên học IELTS của đơn vị tổ chức thi IELTS. Nội dung thi IELTS có nhiều nội dung khoa học, chuyên ngành, đòi hỏi người học có kiến thức nền tảng, hiểu biết nhất định về các lĩnh vực cụ thể. Những yêu cầu chưa phù hợp với một học sinh 13-14 tuổi.

Cô giáo Vũ Thu Hoài, giáo viên dạy tiếng Anh THPT tại Sơn Động (Bắc Giang) cho rằng: “Học sinh ở thành phố đi học chứng chỉ IELTS rất nhiều nhưng chỉ có một số ít là đam mê, còn lại là do phụ huynh định hướng hoặc thậm chí là ép buộc, vì nghĩ lấy chứng chỉ sớm thì khi vào lớp 10 và đại học có lợi thế được tuyển thẳng. Để làm được việc ấy các em có thể phải cày ngày, cày đêm để tập trung vào đạt được chứng chỉ này, chứng chỉ kia, thậm chí phải thi rất nhiều lần. Còn đứng trên quan điểm là một giáo viên tiếng Anh, tôi luôn luôn mong muốn học sinh phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ. Do vậy nếu đạt được chứng chỉ cho 4 kỹ năng sẽ rất tốt”.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích, xét tuyển thẳng học sinh THPT qua chứng chỉ IELTS có thể xuất phát từ nhận thức tích cực của một số phụ huynh và nhà trường muốn hướng con em đến năng lực công dân toàn cầu, mà một trong những tiêu chí đó chính là ngoại ngữ.

Tuy nhiên, mong muốn này dường như bị “chủ nghĩa thành tích” làm cho sai lệch. Giống như trở thành một trào lưu, một số trường phổ thông dựa vào năng lực ngoại ngữ như một tiêu chí để được ưu tiên, xếp lớp, chọn trường. Nhiều chuyên gia cũng không ủng hộ việc “sính” xét chứng chỉ ngoại ngữ từ bậc phổ thông vì thực tế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.

Ngoài ra, còn gây ra hệ lụy học lệch, học tủ, học sinh bỏ qua môn học chính khóa để dồn lực vào học ôn IELTS, vô hình chung sẽ làm các em bỏ đi rất nhiều kiến thức nền tảng cơ bản. Ở bậc học này, phụ huynh cần chuẩn bị cho con tư duy phản biện độc lập để thích ứng với những thay đổi liên tục của thời cuộc.

Thật vậy, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để học sinh bước vào cánh cổng lớp 10. Để hóa giải áp lực thi cử cho các thí sinh trong thời điểm hiện nay thì trước tiên là phải hay đổi nhận thức từ chính các bậc cha mẹ.

Nên dành cho bậc đại học

Với khả năng tiếp thu kiến thức theo giới hạn độ tuổi, phụ huynh không nên ép con học chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm mà cần để trẻ cảm thấy yêu thích và có mong muốn được học bộ môn này. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng làm phương tiện học tập và làm việc, chứ không phải học chỉ để lấy chứng chỉ phục vụ tuyển sinh.

Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ phát huy tác dụng tối đa khi người học thực sự cần đến nó để phục vụ cho công việc, học tập, chẳng hạn như xét tuyển đại học, đăng ký đi du học và công nhận đạt chuẩn ngoại ngữ cho sinh viên khi ra trường.

Năm nay, với phương thức tuyển sinh được các trường ĐH công bố, thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ nhiều lợi thế hơn nhóm thí sinh còn lại. Điều này do chính sách tuyển sinh của các trường ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn với học sinh giỏi ngoại ngữ. Đáng chú ý, nhiều trường ĐH chấp nhận quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển. Ví dụ, với IELTS 4.5, thí sinh có thể được quy đổi thành 7-10 điểm môn tiếng Anh thay cho điểm thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ.

Còn đối với sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ĐH, khi có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ sẽ mở ra nhiều cơ hội để đón nhận một công việc sau khi ra trường. Đầu tư cho ngoại ngữ thời điểm là sinh viên chính là khoản đầu tư có lãi nhất nếu biết tận dụng công năng của chứng chỉ.

Có thể thấy, chứng chỉ ngoại ngữ sẽ đem đến nhiều lợi thế cho người học nhưng không vì thế mà phụ thuộc quá nhiều vào chứng chỉ vì thời hạn của nó chỉ được giới hạn trong 2 năm. Suy cho cùng, việc học tập và thực hành ngoại ngữ hàng ngày vẫn là điều quan trọng. Vì vậy, để đạt được những cơ hội học tập và hội nhập thế giới học sinh, sinh viên Việt Nam luôn cần tích cực, chủ động, nâng cao năng lực ngoại ngữ của bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác dụng ngược của chứng chỉ ngoại ngữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO