Ngày 29-1 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, năm 2015 tổng số tiền tác quyền mà Trung tâm thu được là hơn 68 tỉ đồng.
Sau 13 năm thành lập và hoạt động đến nay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của nhiều cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả.
Lý giải về nguyên nhân khách quan gây ảnh hưởng đến việc thực thi bản quyền tác giả âm nhạc, theo phía VCPMC hiện một số qui định trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của việc thực thi quyền tác giả trong biểu diễn nghệ thuật và băng đĩa nhạc theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Cục Bản quyền Tác giả… vẫn còn kẽ hở lớn khiến nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn tìm cách né, lách, không xin phép và trả tiền bản quyền tác giả, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các tác giả.
Theo bà Đoàn Thị Hương - Giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc: “Có một nghịch lý, dù luật pháp đã quy định tác phẩm là tài sản cá nhân của các nhạc sĩ, tác giả và chủ sở hữu quyền, họ có quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng của mình. Nhưng Cục NTBD hay các Sở VHTT&DL cấp giấy phép biểu diễn lại không yêu cầu các đơn vị sử dụng trình nộp văn bản chứng tỏ đã được sự đòng ý của các tác giả trong hồ sơ xin cấp giấy phép. Từ đó, các cá nhân và tổ chức khi đã có giấy phép được cấp giấy phép được cơ quan nhà nước cấp thường nảy sinh ý định trốn tránh nghĩa vụ quyền tác giả”.
Đại diện VCPMC cũng dẫn chứng năm vừa qua hàng loạt chương trình, sự kiện biểu diễn âm nhạc… đã “trốn” bản quyền, xâm phạm và gây thiệt hại, lợi ích chính đáng của các tác giả. Trong đó, nhiều chương trình qui mô lớn với số lượng và mức giá vé cao, nhiều live show, sự kiện DJ đã bị thất thoát tiền bản quyền. Đây cũng chính là lý do tạo hiệu ứng dây chuyền tiêu cực khiến nhiều đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật ngày càng lảng tránh thực hiện nghĩa vụ luật pháp về quyền tác giả. Việc thu tiền bản quyền tác giả từ các lĩnh vực này vốn đã rất khó khăn. Ngoài ra, cũng theo VCPMC tại lĩnh vực phát thanh - truyền hình còn nhiều Đài truyền hình, phát thanh, đơn vị truyền hình cáp vẫn chưa thực hiện quyền tác giả…
Dù việc thu tác quyền âm nhạc vẫn còn nhiều bất cập, nhưng ông Phó Đức Phương- Giám đốc VCPMC cho hay, hiện tại việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Việt Nam đã vượt qua 3 nước là Thái Lan, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, theo ông Phương với mức độ dân số và bình quân thu nhập như nước ta hiện tại thì số tiền thu được từ việc bảo vệ tác quyền âm nhạc ở nước ta vẫn chưa tương xứng: “Sự nghiệp bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn còn chậm quá. Trung tâm VCPMC phải thu được tiền bản quyền gấp 10 lần hiện nay, tức là khoảng 30 triệu đô/năm mới đảm bảo yên lòng, hết trách nhiệm với các nhạc sĩ được”, ông Phương cho hay.