Mới đây báo chí đã phản ánh về việc một quán cà phê tại Hà Nội phản ứng về việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tới yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bản quyền âm nhạc. Câu chuyện này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương.
PV:Thưa ông, việc thu phí tác quyền tại các quán cà phê có sử dụng âm nhạc nói riêng và các cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc nói chung được căn cứ theo cơ sở nào?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Về cơ sở pháp lý việc thu phí các cơ sở kinh doanh có sử dụng âm nhạc căn cứ công văn số 1714 của Bộ Tài chính trả lời về việc tiền nhuận bút thù lao (tiền tác quyền) không phải phí và lệ phí nên Bộ Tài chính không quy định mức giá mà chủ yếu là thỏa thuận giữa đơn vị sử dụng và các chủ sở hữu quyền tác giả.
Vì vậy, cần phải xác định rõ tiền nhuận bút, thù lao, hay còn gọi là tiền tác quyền không phải phí và lệ phí như thông tin mà báo chí đã đề cập, gây hiểu nhầm cho dự luận về việc “thu phí”.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định về “quyền tài sản” của các tác giả là quyền do “tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện” có quyết định mức nhuận bút khi các tổ chức, cá nhân sử dụng các tác phẩm.
Trước khi ban hành biểu mức, VCPMC đã có bước tham khảo cách thực hiện ở các nước thông qua ý kiến đại diện các nhạc sĩ, các tác giả trong nước, đồng thời báo cáo Bộ VHTTDL, và Bộ đã có ý kiến chấp thuận, hoan nghênh đề án thu bản quyền.
Bên cạnh đó, nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45a Nghị định 100/2006/NĐ-CP (được bổ sung theo Nghị định số 85/2011/NĐ-CP): “Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm”.
VCPMC căn cứ vào hình thức và tần suất sử dụng các tác phẩm để tính mức nhuận bút việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế thuộc thành viên của VCPMC.
Theo phản ánh, việc thu phí tại quán cà phê tại Hà Nội như đã đề cập là không có giấy phép ủy quyền. VCPMC có lý giải gì về việc này?
Hiện nay, VCPMC đại diện cho gần 4.000 tác giả của Việt Nam. VCPMC ký hợp đồng với gần 60 tổ chức quốc tế, theo đó có hiệu lực trên 150 quốc gia về bản quyền tác giả âm nhạc với khoảng gần 4 triệu tác giả.
Số lượng hợp đồng của VCPMC đang nắm giữ lớn, tuy nhiên với các cơ sở kinh doanh cà phê có sử dụng âm nhạc chúng tôi cũng không dồn ép mà để các đơn vị tự giác cung cấp các tác phẩm âm nhạc đã sử dụng.
Sau khi các đơn vị cung cấp các tác phẩm âm nhạc sử dụng, chúng tôi sẽ về đối chứng với các hợp đồng của các tác giả đã ký với VCPCM để thu phí.
Chúng tôi chỉ thu phí với các tác giả đã ủy quyền với VCPMC. Chúng tôi có đơn vị kiểm toán và báo cáo cuối năm với cơ quan Thuế, Cục bản quyền, Hội nhạc sĩ Việt Nam, Bộ VHTTDL.
Việc thực thi thu phí bản quyền âm nhạc tại quán cà phê có sử dụng âm nhạc đã được thực hiện từ thời điểm nào, thưa ông?
- Chúng tôi thực hiện việc thu phí ngay từ khi VCPMC thành lập, năm 2002. Tuy nhiên, thời gian đầu việc này vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ. Năm 2016 số tiền mà VCPMC thu được từ các quán cà phê có sử dụng âm nhạc là 2,865 tỷ, với 490 hợp đồng tại các thành phố lớn và 117 hợp đồng ở các tỉnh. 5 tháng đầu năm 2017 là 1,079 tỷ với 123 hợp đồng.
Hợp đồng ở đây không phải là tổng số các quán cà phê có sử dụng âm nhạc mà bao gồm cả các đơn vị, các chuỗi quán, nên con số này là rất lớn.
Việc thu phí này được thực thi theo các quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi của các tác giả sáng tác được VCPMC bảo hộ. Bản thân VCPMC cũng sẵn sàng đối thoại với các đơn vị khi có khúc mắc.
Chúng tôi cũng sẽ không dừng lại việc này vì nó sẽ đi ngược với các văn bản quy định của nhà nước cũng như đây là một lộ trình hội nhập của Việt Nam và thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!