Từ đầu tháng 4/2016, họa sĩ Lưu Mạnh Tiến (thường ký bút danh Lưu Tiến trong các tác phẩm của mình)- một đạo diễn, họa sĩ hoạt hình đang làm việc tại Hà Nội, đã gửi đơn khiếu nại vi phạm bản quyền và vi phạm sở hữu trí tuệ lên Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) khiếu nại việc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã vi phạm bản quyền các nhân vật hoạt hình mà ông đã đăng ký quyền tác giả vào năm 2009.
Các nhân vật của tác giả Lưu Tiến đã được đăng ký bảo hộ từ năm 2009.
Các nhân vật bị tổ vi phậm BQ trong chương trình Hát cùng Siêu Chíp.
Trong đơn, ông Tiến ghi rõ rằng: chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” do VTV2 phát sóng từ năm 2014 tới nay có sử dụng hình ảnh và tên các nhân vật Gà Con, Sâu Xanh, “Siêu Chíp” mà không được sự cho phép của tác giả là ông. Thậm chí, việc vi phạm này đã kéo dài trong 2 năm. Đến năm 2015 thì chương trình này chuyển sang sử dụng các nhân vật gần như giống hệt các nhân vật thuộc bản quyền của ông. Họa sĩ Lưu Tiến cho rằng đây là sự “vi phạm bản quyền” rất rõ ràng.
Hơn 3 tháng trôi qua, ngày 15/7, họa sĩ Lưu Tiến lại tiếp tục gửi đơn lên Cục Bản quyền tác giả yêu cầu điều tra làm rõ các giấy chứng nhận do Cục này cấp cho công ty Kim Cương sử dụng trong chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” của VTV.
Theo đó, từ ngày 17/2, ông Lưu Tiến có buổi trao đổi với 2 đại diện của VTV Digital để trình bày việc Chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” phát sóng trên các kênh VTV2, kênh Youtube VTV Showbiz và ứng dụng VTV Go sử dụng các nội dung thuộc bản quyền của ông mà không xin phép. Đại diện VTV Digital hứa sẽ báo cáo cho lãnh đạo VTV để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên 2 vị này đã không giữ lời hứa. Ngày 1/4/2016, tác giả Lưu Tiến gửi đơn lên Cục Bản quyền tác giả để khiếu nại Chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” của Đài Truyền hình Việt Nam xâm phạm tác phẩm do ông là tác giả đồng thời là chủ sở hữu từ năm 2009. Cho tới ngày 22/4/2016, Cục Bản quyền tác giả ra công văn đề nghị VTV cung cấp thông tin, giải trình sự việc trên bằng văn bản. Ngày 10/5/2016, Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVAd) gửi công văn trả lời Cục Bản quyền tác giả, trong đó giải trình sơ bộ sự việc… Nhưng ông Tiến tiếp tục có đơn khiếu nại gửi đến Đài Truyền hình Việt Nam vì cho rằng công văn trả lời của TVAd là không hợp lệ. Tiếp đó ngày 10/6/2016, Đài Truyền hình Việt Nam có công văn hỏa tốc gửi đến ông Tiến đề nghị có buổi gặp gỡ giữa hai bên vào ngày 13/6/2016. Tuy nhiên, trong buổi làm việc này hai bên đã không tìm được tiếng nói chung. Đài Truyền hình Việt Nam thoái thác, đẩy trách nhiệm sang cho đơn vị đối tác là công ty Kim Cương. Ông Tiến giữ nguyên quan điểm về trách nhiệm của VTV và tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Vụ việc của họa sĩ Lưu Tiến có lẽ chỉ là một trong số không nhỏ những vụ việc tranh chấp tác quyền thời gian qua. Báo Đại Đoàn Kết mới đây cũng đã đề cập: chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Bản quyền tác giả đã tiếp nhận, thụ lý 8 vụ việc khiếu nại, tố cáo vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, hiện đã có 4 vụ việc được giải quyết dứt điểm, số vụ việc còn lại đang trong quá trình giải quyết theo trình tự thủ tục quy định; Trả lời 15 trường hợp xin ý kiến chuyên môn nghiệp vụ về quyền tác giả, quyền liên quan... Nhưng 8 vụ việc liên quan đến quyền tác giả phản ánh đến Cục Bản quyền tác giả trong 6 tháng đầu năm 2016 có lẽ chỉ là một phần nhỏ trong vô số những vụ việc vi phạm liên quan đến quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng và tác quyền nói chung.
Nguyên nhân lớn nhất được cho dẫn đến tình trạng vi phạm tác quyền tràn lan là do cơ chế bảo hộ quyền tác giả hiện nay đang bộc lộ hiều hạn chế; nhận thức về tác quyền của cộng đồng chưa cao; Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền tác giả vẫn chưa thực sự đi vào đời sống. Tại hội thảo bản quyền tác giả Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra gần đây, thực trạng vi phạm tác quyền ở Việt Nam cũng được đặt trong tình trạng đáng báo động. Vậy mà cho đến nay, ngoài cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính có thẩm quyền bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, Việt Nam mới có 4 tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Đó là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), thành lập năm 2002; Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), ra đời năm 2003; Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) – năm 2004; và Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO), xuất hiện khá muộn màng: 2010. Các tổ chức nói trên cùng hệ thống cơ quan nhà nước vẫn đang phải “gồng mình” trước làn sóng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra thường xuyên, liên tục trên nhiều lĩnh vực…Âu cũng bởi nhận thức về tác quyền chưa đúng. Thậm chí ngay cả các nhà quản lý cũng còn mơ hồ về tác quyền. Khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung thì sự việc cũng kéo dài dai dẳng.