Ngày 2/6, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, NXB Hà Nội và Công ty Cổ phần tri thức Văn hóa sách Việt Nam tổ chức lễ ra mắt tái bản bộ sách “Đại Nam thực lục”.
Bộ sách Đại Nam Thực lục gồm 10 tập, dày gần 10.000 trang. Bộ sách được tái bản nhân kỷ niệm 60 năm (1962-2022) xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt.
Ban đầu bộ Đại Nam thực lục được xuất bản thành 38 tập. Năm 1962 xuất bản tập 1. Và rải rác đến 16 năm mới thực hiện xong xuất bản 38 tập. Năm 2002, bộ sách được các cán bộ của Viện Sử học san định thành 10 tập. Tại lần xuất bản này, bộ sách dựa trên bản in tái bản năm 2002 có rà soát lỗi.
Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn. Sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm (1821 - 1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân. Đây là bộ sử lớn nhất của nước ta, ghi chép sự thật toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn, cũng như hơn 200 năm lịch sử Đàng Trong của các chúa Nguyễn với quan điểm “Nước phải có sử, cốt để làm tin với đời nay và truyền lại cho đời sau”.
Đại Nam thực lục là nguồn sử liệu quý về lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng trong 330 năm (1558-1888) đầy biến động của đất nước. Đọc bộ sử này, thế hệ sau sẽ có cái nhìn phổ quát về mọi mặt của đời sống, từ mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, giao thương, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, tín ngưỡng tôn giáo của nhà Nguyễn.
Có được bản dịch bộ sách quý này phải kể đến công lao của những bậc “đại nho” như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương...
Bộ Đại Nam thực lục được biên soạn qua các đời của các vị Tổng tài Quốc sử quán nổi tiếng như: Phan Thanh Giản (1796-1867), Trương Quốc Dụng (1797-1864), Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902), Trương Quang Đản (1833-1914), Cao Xuân Dục (1842-1923).
Đại Nam thực lục biên soạn theo phương pháp sử truyền thống, tức là chép theo năm tháng. Cách viết này dễ tra cứu cho người học, đọc sử.
Phát biểu tại buổi ra mắt, PGS.TS Đỗ Bang nói: Bộ sách “Đại Nam thực lục” tiền biên và chính biên do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có 560 quyển, là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành. Bộ sử được soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tấu của các cơ quan trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình, được các vua Nguyễn phê duyệt bằng bút son gọi là châu bản, bản phó được Nội các sao chép và chuyển cho Quốc Sử quán để làm tư liệu biên soạn sách. Vì là “thực lục” (ghi chép thật) nên bộ sử chuẩn xác về nhân vật, sự kiện và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.
Đến dự buổi lễ ra mắt, nhiều đại biểu đều trầm trồ về bộ sách đẹp nhưng không ít người tỏ ra ái ngại khi giá một bộ sách khoảng 6 triệu đồng.